Chiều 18/11, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên xử nhóm đối tượng Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) cưỡng đoạt số tiền gần 2,5 tỷ đồng của các cơ sở dịch vụ tang lễ.
Tại phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Đường 15-16 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Cùng về tội danh này, các bị cáo Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy bị đề nghị mức án 13-14 năm tù, các bị cáo Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến bị đề nghị 12-13 năm tù, bị cáo Quách Việt Cường bị jđề nghị 8-9 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) bị đề nghị 6-7 năm tù.
Đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định vợ chồng bị cáo Đường "nhuệ" cùng năm đàn em đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản của các cơ sở dịch vụ tang lễ với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Theo hồ sơ bản cáo trạng, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Nguyễn Xuân Đường dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, mặc dù công ty không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Công ty Hoàng Long ủy quyền nhưng Đường vẫn lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty TNHH Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường.
Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành Quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Đường cùng một số người khác đe dọa, đánh anh Nguyễn Thế Việt để ép đại lý phải dừng hoạt động; cấm các cơ sở dịch vụ tang được đi hỏa táng tại Nam Định mà phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép với Công ty Hoàng Long.
Sau khi đại lý của anh Việt phải dừng hoạt động, Đường tổ chức các cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình, tại quán cà phê Cadillac, chửi và đe dọa để ép chủ các cơ sở dịch vụ tang lễ phải ký vào bản Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Đồng thời, Đường ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của mình qua điện thoại, phải nộp số tiền 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.
Tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt của 25 người bị hại là 2,469 tỷ đồng. Số tiền này, Nguyễn Xuân Đường sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Đường "Nhuệ" thừa nhận tham gia vào hoạt động hỏa táng tại Thái Bình nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo khai được đại diện các đơn vị dịch vụ hỏa táng mời tham gia nhiều cuộc họp, lắng nghe họ trao đổi và được những người này đề nghị giúp đỡ sau khi liên tục bị chèn ép.
Về số tiền 500.000 đồng/ca mà các đơn vị hỏa táng phải nộp cho mình, Đường "Nhuệ" phủ nhận việc ép buộc và cho biết đây là khoản tiền các đơn vị tự nguyện giao nộp. Bị cáo khai không tư lợi số tiền này mà sử dụng cho các hoạt động của hiệp hội như ăn uống, phúng viếng người mất, thăm nuôi người ốm hay xây nhà ăn miễn phí.
Tuy nhiên, trước HĐXX, bị hại trong vụ án là Đỗ Thị Lan cho rằng những lời khai của Đường “Nhuệ” sai sự thật. Bà Lan khẳng định nhiều cơ sở dịch vụ tang lễ khác phải miễn cưỡng đóng tiền cho Đường “Nhuệ”.
Theo lời bị hại, công ty của bà đã phải đóng khoảng 400 triệu đồng, tương đương khoảng 800 ca hỏa táng cho Công ty Đường Dương trong hơn 2 năm.
Ngoài ra, bị hại cũng tố cáo hành vi đe dọa, uy hiếp của Đường “Nhuệ”. Bà Lan kể bị Đường chửi trước mặt rất nhiều đại diện cơ sở dịch vụ tang lễ khác và phải tự giác nộp tiền vào ngày 15 và 30 hàng tháng.
Bạch Hiền (t/h)