+Aa-
    Zalo

    Xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2: Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên khai gì?

    (ĐS&PL) - Trước bục khai báo, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên thừa nhận việc tổ chức đưa công dân về cách ly là cơ hội để kiếm thêm thu nhập.

    Ngày 24/12, TAND TP.Hà Nội xét xử 17 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, che giấu tội phạm. 

    Sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, HĐXX tiến hành thẩm vấn các bị cáo. Trước khi thẩm vấn các bị cáo, HĐXX yêu cầu cách ly Trần Minh Tuấn (bị cáo chuyến bay giải cứu giai đoạn 1), người liên quan đến hành vi che giấu tội phạm của bị cáo Nguyễn Xuân Thông.

    Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã khai báo mọi hành vi phạm tội, nhưng khi thực hiện hành vi, bị cáo không nhận thức hết.

    Bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, được dẫn giải tới tòa sáng 24/12 .

    Bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, được dẫn giải tới tòa sáng 24/12 .

    Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên khai, trong quá trình công tác có quan hệ với Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã bị xét xử trong giai đoạn 1) và Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh, đã bị xét xử trong giai đoạn 1).

    Trước khi tổ chức các chuyến bay từ nước ngoài về Thái Nguyên thời điểm dịch COVID-19, Tùng có gặp Lê Văn Nghĩa để trao đổi các thủ tục để cách ly ở Thái Nguyên và trao đổi về giá tiền trọn gói cách ly cũng như số tiền chênh lệch.Giá trọn gói cách ly là 17-18 triệu đồng/người, giá thực tế ký hợp đồng chỉ là 10-12 triệu đồng.

    Thỏa thuận xong thì bị cáo Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt thực hiện cách ly) mới đến. Bà Quyên có gặp ông Nghĩa, có biết chuyện tiền ngoài hợp đồng và được ông Tùng giao nhận đủ 18 triệu đồng/khách để tổ chức cách ly.

    Sau khi tổ chức các chuyến bay về nước, Trần Tùng nhận được từ Trần Thị Quyên hơn 2,9 tỷ đồng. Trên thực tế, Lê Văn Nghĩa chuyển cho Quyên hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 6 tỷ đồng theo hợp đồng, hơn 4 tỷ đồng không theo hợp đồng. 

    Bị cáo Trần Tùng cũng khai, có quan hệ với Trần Minh Phụng, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và xây dựng Gia Huy thông qua một nhóm chat trên mạng xã hội của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

    Bị cáo Trần Tùng đứng trước bục khai báo. (Ảnh: Nam Phương)

    Bị cáo Trần Tùng đứng trước bục khai báo. (Ảnh: Nam Phương)

    Sau đó, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu bị cáo Phụng cho Vũ Hồng Nam. Ngoài các chuyến bay của Công ty Nhật Minh, Trần Tùng còn lựa chọn bà Bùi Thị Kim Phụng, đại diện Công ty Fujitravel, Nhật Bản, để phối hợp thực hiện "chuyến bay giải cứu". Bà Phụng sẽ liên hệ bán vé trọn gói cho công dân, thuê tàu bay đưa công dân từ Nhật Bản đến sân bay Nội Bài; chuyển tiền để Trần Tùng thực hiện đón công dân từ sân bay về địa điểm cách ly và thực hiện cách ly.

    Sau khi thống nhất, Trần Tùng đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn bà Phụng mượn pháp nhân của Công ty cổ phần Én Việt xin cấp phép thực hiện 2 chuyến bay. Ngày 15/11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có công điện số 506 đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận 2.300 công dân về nước.

    Bị cáo Tùng đề nghị cho Công ty Én Việt được thực hiện chuyến bay, giao cho Trần Thị Quyên, Nguyễn Thị Hảo giám sát, thanh toán dịch vụ đón, cách ly cho công dân về nước. Với hành vi này, Trần Tùng đã hưởng lợi 3,2 tỷ đồng khi thực hiện dịch vụ cách ly cho công dân. 

    "Bị cáo thấy tổ chức thế có lãi nên làm?" HĐXX đưa ra câu hỏi.

    “Tổ chức cho công dân ở nước ngoài về cách ly ở Thái Nguyên, bị cáo thấy đây là cơ hội để kiếm thêm, có thu nhập có lãi”, bị cáo Trần Tùng khai.

    Bị cáo có biết như vậy là sai không?, HĐXX truy vấn.

    Trần Tùng: Bị cáo không nhận thức được hành vi của mình.

    Bị cáo có can thiệp hay tác động gì để Công ty Én Việt của bà Phụng được tổ chức chuyến bay giải cứu về Thái Nguyên hay không?, HĐXX hoie.

    Trần Tùng: Bị cáo ký 1 văn bản số 1125 có tên của Công ty Én Việt.

    Cuối cùng, bị cáo Tùng thừa nhận “bị cáo rất sai, bị cáo xin nhận tội” và trình bày rằng đã nộp khắc phục hậu quả vụ án là 5,7 tỷ đồng trong đó 700 triệu đồng được nộp trong giai đoạn điều tra và 5 tỷ đồng mới nộp trước khi phiên tòa diễn ra.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/xet-xu-vu-chuyen-bay-giai-cuu-giai-oan-2-cuu-pho-giam-oc-so-ngoai-vu-thai-nguyen-khai-gi-a492945.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan