(ĐSPL) – Trả lời thắc mắc về việc xe vi phạm là xe biển xanh thì sẽ xử lý như thế nào? Ông Khuất Việt Hùng - PCT chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Xe biển xanh vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định".
Xe mượn tịch thu thế nào?
Ngày hôm qua 7/3, tại Hà Nội đã điễn ra cuộc đối thoại với sự góp mặt của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để giải đáp về những thắc mặc liên quan đến việc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gửi kiến nghị đề xuất về việc tịch thu phương tiện giao thông đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn, cố tình đi xe máy vào đường cao tốc gây tranh cãi trong dư luận.
Xung quanh câu hỏi nếu người dân sử dụng phương tiện giao thông là tài sản mượn của người khác thì sẽ xử lý như thế nào? Nhiều người dân lo lắng rằng, nếu cho người khác mượn xe, khi xảy ra vi phạm họ sẽ mất trắng tài sản.
Đề xuất tịch thu phương tiện có khả thi? |
Trả lời câu hỏi này ông Hùng cho hay, những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi nộp phạt xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, việc vi phạm sẽ do người điều khiển phương tiện hoàn toàn chịu trách nhiệm, người cho mượn phương tiện sẽ không bị mất tài sản như những lo lắng trước đó.
Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu người điều khiển những phương tiện đi mượn nộp phạt số tiền tương ứng với giá trị phương tiện đó. Tài sản của người cho mượn hoàn toàn không bị ảnh hưởng", Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định.
Trong một số trường hợp, người mượn xe không trả hoặc không có khả năng trả số tiền tương đương với xe thì xe vẫn được trao trả về cho người sở hữu và người mượn xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật theo quy định.
Xe biển xanh vi phạm cũng xử lý?
Đáng chú ý, một thắc mắc liên quan đến đề xuất được người dân gửi đến ông Khuất Việt Hùng là việc xe vi phạm là xe biển xanh thì sẽ xử lý như thế nào?
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, trong điều 126 của Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định rõ, bất cứ người nào vi phạm đều bị xử phạt.
"Không có một cơ quan nào cho phép cán bộ của mình vi phạm mà lại không bị xử lý. Do vậy, nếu như người cán bộ vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định", ông Hùng khẳng định.
Tịch thu xe là hành động nhân văn?
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, khi xây dựng đề xuất, Ủy ban ATGT Quốc gia đã nghiên cứu cơ sở pháp lý. Ông cho biết, điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao.
Về mức độ vi phạm như thế nào thì mới bị tịch thu xe, liệu tịch thu ngay lần đầu vi phạm có quá nặng hay không? Ông Hùng cho hay, nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Vì số lượng người say xỉn điều khiển xe sẽ giảm đi, những người tham gia giao thông khác sẽ không bị uy hiếp nữa.
“Tại sao lần đầu tiên vi phạm lại phạt nặng thế vì tai nạn thì không có lần thứ hai. Tai nạn xảy ra đầu tiên là sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. Rõ ràng 70\% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người và do ý thức khi uống rượu say rồi thì ta không kiểm soát hành vi của mình nữa. Đây là lý do tại sao các quốc gia càng phát triển, họ càng coi đây là hành vi nguy hại cho xã hội phải ngăn ngừa” - ông Hùng cho biết.
Dân nghèo kiếm sống bằng gì?
Liên quan đến đề xuất trên, phản ánh về đường dây nóng Báo Đời Sống Pháp Luật nhiều bạn đọc cho rằng: Hiện nay, nền kinh tế đất nước vốn chẳng thể so sánh với các nước bạn vì vậy đừng nên lấy luật nước ngoài so sánh với luật trong nước.
"Chiếc xe là tài sản vốn quý giá của người dân, Cả đời gom góp, chắt chiu mua được cái ô tô chỉ vì một ngày lễ tết quá chén mà tịch thu luôn xe thì liệu có nặng quá không? Sao không đề xuất mức phạt thật nặng đối với tài xế say xỉn mà lại đề xuất tịch thu xe?" Anh Nguyễn Văn Hưng (Hoài Đức, Hà Nội) bức xúc phản ánh.
"Chồng em làm nghề vận tải, vay tiền ngân hàng tự mua xe, tự lái..., nếu chỉ vì nhỡ miệng uống chút rượu mà tịch thu xe thì gia đình em sống kiểu gì? các con em ai nuôi? ai trả nợ ngân hàng?" chị Huyền Hà Đông than thở.
Việc tịch thu xe cần phải xem xét lại làm sao cho hài hoà, phù hợp với kinh tế người dân Việt Nam. Nhiều người mưu sinh bằng nghề lái xe mà hất nồi cơm của họ đi là không được. Khổ nhất người làm thuê và người nghèo.
"Kiến nghị này quá nặng với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì. Nếu là xe đi mượn người đi mượn quá nghèo không có tiền trả nợ thì bắt họ vào tù à?, anh Hương một tài xế taxi bức xúc giải thích.