+Aa-
    Zalo

    Xây đặc khu: Có cơ chế vượt trội mới cạnh tranh được với Thâm Quyến, Incheon

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để đạt mục tiêu cạnh tranh quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải tạo nên những đột phá về mặt thể chế cho đặc khu chứ không phải chỉ những ưu đãi, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện

     Để đạt mục tiêu cạnh tranh quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải tạo nên những đột phá về mặt thể chế cho đặc khu chứ không phải chỉ những ưu đãi, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

    Vốn mồi nhà nước sẽ thu hút nhà đầu tư

     Ông Trần Đình Thiên chia sẻ:

     Ba đặc khu đòi hỏi đầu tư ban đầu, nhất là đầu tư cho hạ tầng tương đối lớn. Cần tập trung phân bổ cho những vùng tạo ra bứt phá mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn. Như vậy, cần cân nhắc lợi ích đầu tư ban đầu và lợi ích thu được chứ không nên đầu tư dàn trải.

     Đặc khu là một trong những phép thử cho bài toán đầu tư. Đó là, chúng ta có tập trung nguồn lực để tạo đột phá hay không. Kinh nghiệm cho thấy, nếu biết cách xử lý thì vốn mồi của nhà nước sẽ tạo ra sức hút lớn để “hút” những nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vân Đồn – Quảng Ninh là một ví dụ điển hình về việc tư nhân có thể đầu tư những hạng mục lớn, như sân bay quốc tế,  với số vốn gần chục ngàn tỷ. Ngay cả đường sá cũng được đầu tư để giảm áp lực ngân sách.

     Với cơ chế hiện nay, ông nghĩ sao về sức bật cho các đặc khu tương lai?

     Nếu chúng ta ưu đãi quá lớn cho các dự án, lo tập trung ưu đãi bằng cách giảm thuế nhiều thì số bù lại sẽ không đạt.

     Ở đây, chúng ta phải tính được câu chuyện lan tỏa, kéo ai vào để đạt được sức lan tỏa. Phải dự báo được tương quan giữa đầu tư ban đầu cộng với ưu đãi và lợi ích thu được.

     Theo ông, những chính sách đề ra trong dự thảo luật đã tạo đột phá hay chưa, khi mà sau rất nhiều bàn thảo thì dự luật hiện nay đã bỏ thiết chế trưởng đặc khu và vẫn tổ chức mô hình HĐND?

    PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Thu Hằng

    Có thể phân biệt sức hấp dẫn của đặc khu gồm hai loại:

     Thứ nhất là ưu đãi giảm bớt đóng góp của các dự án, DN. Ví dụ, đáng lẽ thu thuế DN là 20% nhưng ở đây thu ở mức thấp hơn. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ hưởng lợi vì họ nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận lớn.

     Thứ hai là loại ưu đãi liên quan đến thể chế tốt, một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, thủ tục thông thoáng, phương thức quản trị ở đẳng cấp cao. DN sẽ coi đấy là sức hút chủ yếu.

     Kinh nghiệm cho thấy, bao giờ cũng có cả hai loại vì nhà đầu tư thích vừa có môi trường đầu tư tốt, vừa có ưu đãi.

     Phát triển đặc khu sau nhiều nước, theo ông, Việt Nam nên có chọn lựa tối ưu nào?

     Ưu đãi bằng thuế thì dễ nhưng sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách.

     Còn nếu ưu đãi về mặt thể chế để tạo ra một môi trường kinh doanh, đầu tư công khai để mang lại hiệu quả sẽ là lựa chọn tốt hơn nhiều. Chỉ có môi trường đầu tư mang tính thu hút mới góp phần tạo nên sự hấp dẫn dài hạn mang tính chiến lược, nhất là với những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư quan tâm đến môi trường đầu tư lành mạnh, trong sáng.

     Hiện, dường như chúng ta nghiêng về ưu đãi chứ không phải tạo nên một thể chế vượt trội. Ở đây không chỉ so sánh với chính ta mà phải so với những hình mẫu tốt nhất thế giới, những thông lệ tốt thế giới, để thu hút những nhà đầu tư tốt.

     Để đạt mục tiêu cạnh tranh quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải tạo nên những đột phá về mặt thể chế cho đặc khu. Trong khi đó, dự thảo luật vẫn giữ mô hình thành lập UBND chứ không phải thiết chế trưởng đặc khu. Như vậy, chúng ta đang biến đặc khu thành cấu trúc chính quyền cấp huyện chứ không phải vượt trội. Đó là những yếu tố cần đặc biệt cân nhắc.

     Thuê chuyên gia ngoại quản lý đặc khu?

     Ông nghĩ sao trước đề xuất của một số chuyên gia về việc đi theo mô hình thành công của một số nơi khác, như Dubai, Hồng Kông, họ thuê chuyên gia nước ngoài đứng ra quản lý đặc khu về mặt kinh tế?

     Chúng tôi cũng đã đề xuất nên đi theo những mô hình tốt nhất. Thậm chí chúng tôi đã có nhiều dịp giới thiệu hình mẫu cực kỳ thành công của Dubai. Từ một nơi rất kém hấp dẫn, không hề có lợi thế cạnh tranh gì nhưng họ đã kéo những thứ hay nhất của thế giới về. Không chỉ kéo tiền, mà họ còn kéo cả những người lao động giỏi, chuyên gia giỏi, kéo cả thế giới về đây vui chơi, tận hưởng dịch vụ.

     Thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN họ cũng bỏ luôn. Tất nhiên họ sẽ có những cách thu khác, đó là chuyển sang phí, rõ ràng minh bạch, thu 1 lần 1 năm. Đơn giản rõ ràng. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân bằng 0 cũng thu hút được nhiều người giỏi.

     Hay đơn cử là chính sách visa nhằm kéo khách du lịch cũng phải thuận tiện, thủ tục đơn giản. Rồi tạo ra những không gian hấp dẫn mang tính tổng thể như các trung tâm thương mại, hội chợ…

     Như vậy, nếu luật được thông qua như hiện nay, theo ông, có đủ tạo ra cạnh tranh?

     Chúng ta đi sau thì những cơ chế, thể chế phải vượt trội lên mới đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế. Vì người ta đã xây dựng đặc khu tới đời thứ 3, thứ 4 rồi, thậm chí là làm những siêu đặc khu, như đặc khu tài chính Thượng Hải. Chúng ta cần thu hút những nguồn lực tốt nhất của thế giới.

     Mục tiêu xây dựng đặc khu là để đủ sức cạnh tranh với Singapore, Thâm Quyến, Incheon, những thành phố hiện đại của Nhật Bản.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xay-dac-khu-co-co-che-vuot-troi-moi-canh-tranh-duoc-voi-tham-quyen-incheon-a226658.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngân sách 'ngáng đường' đặc khu

    Ngân sách 'ngáng đường' đặc khu

    Các chuyên gia đều cho rằng việc Bộ Tài chính 'bác' những đề xuất về cơ chế đặc thù mà các tỉnh có đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) đưa ra vì lo ngân sách giả