Ngày 3/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước chia sẻ thông tin sau khi một số cơ quan của Mỹ đánh giá virus gây đại dịch COVID-19 có thể thoát ra từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
"Nếu bất kỳ quốc gia nào có thông tin về nguồn gốc của đại dịch, thông tin đó cần phải được chia sẻ với WHO và cộng đồng khoa học quốc tế", ông Tedros nói.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh WHO không muốn đổ lỗi mà muốn "nâng cao hiểu biết của chúng ta về cách đại dịch này bắt đầu để chúng ta có thể ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai". Ông cho biết việc chính trị hóa nghiên cứu về nguồn gốc đã khiến công việc khoa học trở nên khó khăn hơn và kết quả là thế giới trở nên kém an toàn hơn.
"WHO tiếp tục kêu gọi Trung Quốc minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu, tiến hành các cuộc điều tra cần thiết và chia sẻ kết quả. Cho đến lúc đó, tất cả giả thuyết về nguồn gốc của virus vẫn để ngỏ", ông Tedros nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã nhiều lần viết thư và trao đổi với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc.
Hôm 28/2, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết FBI tin rằng đại dịch COVID-19 có khả năng xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bộ Năng lượng Mỹ trước đó cũng đưa ra kết luận tương tự.
Trung Quốc ngày 1/3 đã đã bác bỏ thông tin từ các cơ quan Mỹ, gọi đó là một chiến dịch bôi nhọ Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: "Mỹ một lần nữa khơi dậy giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, điều này sẽ không làm mất uy tín của Trung Quốc, mà sẽ làm uy tín của Mỹ sụt giảm hơn nữa".
3 năm đã trôi qua kể từ khi các ca bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng dịch COVID-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu. Sự xuất hiện của các biến thể mới khiến số ca tử vong và số ca mắc vẫn gia tăng ở nhiều nước trên thế giới.
Linh Chi(T/h)