Chậm trễ và ít đổi mới
Cuối năm 1995, khi các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nhẹ hợp nhất thành Bộ Công nghiệp và đến tháng 7/2007, Bộ Công nghiệp hợp nhất với Bộ Thương mại thành Bộ Công thương, vai trò quản lý Nhà nước về năng lượng đã được hòa quyện cùng các ngành liên quan trong "siêu bộ".
Đã không ít lần các chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo, việc Bộ Công thương phải "ôm" quá nhiều việc, lĩnh vực như vậy sẽ khiến quá trình điều hành, quản lý không tốt. Và, thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Trích dẫn lời phát biểu của PGS.TS Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nhân dịp ra mắt Tổng cục Năng lượng, những năm qua, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, ngành năng lượng Việt Nam còn những tồn tại rất cần được khắc phục.
Đó là những tồn tại về mặt quản lý ngành, hiệu quả, khoa học công nghệ, môi trường, để phát triển bền vững, an ninh năng lượng. ở bất cứ đâu cũng vậy, ngành năng lượng có tính hệ thống rất cao, các phân ngành than, dầu khí, điện lực, năng lượng tái tạo có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ và đồng thời quan hệ gắn bó với các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên lâu nay chúng ta quản lý khá biệt lập. Mỗi phân ngành được xây dựng chiến lược, quy hoạch riêng, thiếu phối hợp tổng thể.
Cũng theo vị PGS.TS này, trên thực tế nhiều năm đã có sự khập khiễng, thiếu đồng bộ cả về tư duy lẫn quản lý ngành năng lượng nói chung.
Quan điểm điện, năng lượng đi trước một bước trong điều kiện kinh tế thị trường có thể là không thoả đáng nên được nghiên cứu. Để đảm bảo hiệu quả, điện và năng lượng nói chung cần phát triển đồng bộ, kịp thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ với giá cả hợp lý cho nhu cầu.
Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học VEA, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một quy hoạch phát triển tổng thể về năng lượng (nội dung này, trong Luật Điện lực sửa đổi 2013 đã có quy định). Trong đó xác định rõ những mục tiêu chung về nhu cầu năng lượng, công nghệ, môi trường mà đặc biệt là vốn đầu tư hợp lý giữa các phân ngành, tạo điều kiện để các phân ngành phát triển.
PGS.TS Bùi Huy Phùng cho rằng, công tác xây dựng quy hoạch các phân ngành năng lượng nhìn chung chậm và ít đổi mới. Quy hoạch than, dầu khí chưa cập nhật kịp với phân ngành điện. Phân ngành điện tới nay đã trải qua 7 tổng sơ đồ, nhìn lại cách thực hiện vẫn theo nếp cũ.
Dự báo nhu cầu điện còn khá thủ công, theo kiểu cộng dồn nhu cầu các địa phương, theo hệ số tăng trưởng, dẫn tới kết quả thiếu chính xác, thiên cao, tiếp đến tính nguồn lưới chưa kỹ, làm cho kế hoạch xây dựng nguồn và lưới điện dồn dập, đầu tư lớn.
"Khách quan mà nói, trong công tác xây dựng quy hoạch trước đây, cán bộ và cơ quan đảm nhận cũng gặp khó khăn, bởi thông thường tư liệu phát triển kinh tế xã hội chỉ mới là định hướng, cán bộ làm quy hoạch năng lượng phải tự làm lấy những chỉ tiêu cần thiết... Chính vì vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về năng lượng quả là chặng đường còn gập ghềnh mà các cơ quan tham mưu quan trọng như Tổng cục Năng lượng phải có "nguồn năng lượng" được tích tụ dồi dào mới có thể vượt qua", PGS.TS Bùi Huy Phùng phân tích.
Với các chỉ tiêu này của Tổng sơ đồ Điện VI và Điện VII, đến năm 2030 Việt Nam sẽ sản xuất điện ngang với Đức, Nga hiện nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy từ Quy hoạch điện VI đến nay, chúng ta đã đề ra các chỉ tiêu khá cao nhưng kết quả chỉ đạt bình quân cả nguồn và lưới khoảng trên 50\% kế hoạch.
Quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch, chọn thầu, đền bù, giải ngân... phải trải qua rất nhiều khâu. Nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đều cho rằng dù chúng ta có giải quyết được vấn đề vốn thì cũng khó thực hiện.
Ngành năng lượng thời gian qua phát triển thiếu đồng bộ và thống nhất. |
Phải làm gì khi Bộ Công Thương và EVN "đuối sức"?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một chuyên gia ngành năng lượng (đề nghị không đưa danh tính-PV) cho rằng, năm 2011, Tổng cục Năng lượng đã được thành lập và trực thuộc Bộ Công Thương.
Cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công thương quản lý Nhà nước về công nghiệp năng lượng như nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, dầu khí, than... Xét theo chức năng, Tổng cục Năng lượng phải làm lên đến 20 đầu việc. Vậy, một tổng cục liệu có "kham" nổi những công việc liên ngành này?
"Trong khi bộ Công thương quá nhiều việc thì EVN lại tỏ ra "đuối sức" về cả năng lực chuyên môn, đấu thầu, kinh nghiệm quản lý và vốn trong việc phát triển các dự án nhiệt điện... Chính vì vậy, các dự án lần lượt rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, trục trặc, ảnh hưởng đến quy hoạch điện của Chính phủ. Theo tôi, trong thời gian tới, cần phải lập một cơ quan có đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm để quản lý ngành năng lượng trong đó có các dự án nhiệt điện. Lúc đó, EVN chỉ đóng vai trò phân phối, truyền tải điện chứ không sản xuất điện nữa", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Mới đây, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã đề xuất Nhà nước nên sớm thành lập Bộ Năng lượng để giúp Chính phủ trong việc quy hoạch, giải quyết các cơ chế chính sách về năng lượng. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo việc tái cơ cấu, cổ phần hóa ngành năng lượng nhằm phát triển thị trường năng lượng một cách bền vững, lâu dài đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đề xuất của ông Trần Viết Ngãi được không ít chuyên gia kinh tế, năng lượng đồng thuận.
Theo ông Ngãi, đến nay, các thị trường năng lượng của Việt Nam như điện, khí, xăng dầu vẫn chưa được vận hành theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh và điều này gây khó khăn cho sự phát triển của ngành, của doanh nghiệp.
Ở thị trường điện, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện, đảm nhận việc điều hòa, phối hợp hoạt động giao dịch mua - bán điện; trong khi theo Điều 19 Luật Điện lực, phải có một đơn vị độc lập điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Trong khi đó, xăng dầu, hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang chiếm hơn 50\% thị phần, cộng với PV Oil, Saigon Petro, ba đơn vị này chiếm trên 80\% thị phần trong cả nước, làm nhiệm vụ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ...
Có lẽ, chính vì việc chưa vận hành theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh, nên đến nay ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư...
Và đây cũng là nguyên nhân khiến dù là ngành chủ lực đang rơi vào tình trạng khó khăn, khó kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa. "Nhà nước phải tạo điều kiện và khuyến khích những giao dịch chiều ngang (cải thiện môi trường kinh doanh, giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện đồng thời hạn chế và triệt tiêu cơ chế "xin cho, ban phát" theo chiều dọc); duy trì cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn...
Thị trường năng lượng phải được đa dạng hoá sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thoả mãn tốt nhất lợi ích người tiêu dùng. Và điều cốt yếu nhất là thúc đẩy nhanh việc xoá bao cấp, xoá độc quyền trong thị trường năng lượng", dẫn lời ông Trần Viết Ngãi.
"Ở nước ta, thời gian qua tồn tại tình trạng các chủ dự án lập ra ban quản lý dự án đảm nhiệm công việc đấu thầu, giám sát các nhà máy nhiệt điện nhưng họ lại thiếu vốn, kinh nghiệm và năng lực. Thực tế đã chứng minh, nhiều dự án ban quản lý không có đủ tính chuyên nghiệp cộng với luật "hở" khiến các nhà thầu nước ngoài lần lượt chiếm hết các công trình lớn, quan trọng. Chính vì vậy, phải có cơ quan có đội ngũ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm tốt để có thể gánh vác được những hạn chế mà các chủ đầu tư đã để lại". (Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật) |