Ông Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TPHCM) đặt vấn đề: “Những bị cáo trong vụ VN Pharma sao không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999 mà lại bị truy tố về tội buôn lậu,?”.
Liên quan đến vụ án VN Pharma, trao đổi trên báo Dân trí, ông Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TPHCM) cho rằng, vụ án khiến cộng đồng rất phẫn nộ.
"Họ là người có trình độ cao về y học, rành tác dụng của thuốc nên những người này phải chịu trách nhiệm nặng hơn người buôn bán bình thường đối với hành vi này!” - ông Cảnh cho biết.
Nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh đặt vấn đề: “Những bị cáo trong vụ VN Pharma sao không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999 mà lại bị truy tố về tội buôn lậu,?”.
Theo ông, nếu bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999 thì khung hình phạt sẽ cao hơn, xứng với tội danh của các bị cao hơn là khung 10 – 12 tù của tội buôn lậu mà tòa đã tuyên cho các chủ mưu trong vụ VN Pharma.
Liên quan đến vụ án này, cũng trao đổi trên báo Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TPHà Nội) cho rằng, tòa đã bị giới hạn xét xử trong khuôn khổ một phiên tòa. “Căn cứ vào điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định về giới hạn xét xử, thì HĐXX cấp sơ thẩm chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện KSND truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử” - luật sư Quynh nói.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Luật sư Quynh cũng đánh giá việc bản án của tòa tuyên kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND Tối cao điều tra, làm rõ tiếp trách nhiệm của các công chức Cục Quản lý dược là đúng pháp luật.
Nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh cho rằng: “Việc HĐXX kiến nghị điều tra tiếp những cán bộ ngành y tế có trách nhiệm trong vụ VN Pharma sẽ bảo đảm tránh sai sót trong tố tụng, bảo đảm tính nghiêm minh của việc xét xử”.
Theo báo Thanh Niên, trước đó, tại phiên tòa ngày 25/8, ngoài hình phạt của các bị cáo liên quan, HĐXX TAND TP.HCM có các kiến nghị liên quan đến 3 cán bộ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)...
Cụ thể, HĐXX kiến nghị xem xét trách nhiệm của 3 cán bộ Cục Quản lý dược gồm: Phó cục trưởng Nguyễn Tấn Đạt; Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược Phan Công Chiến, chuyên viên Phòng quản lý kinh doanh dược, đồng thời là thành viên nhóm pháp chế Lê Thúy Hường.
Theo HĐXX, 3 cán bộ này có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet kém chất lượng của VN Pharma nhưng không phát hiện Công ty Austin Hồng Kông hết hạn giấy phép hoạt động và một số nội dung không thống nhất trong hồ sơ.
Tuy nhiên, 3 cán bộ này vẫn đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề xuất ký duyệt, cấp phép cho đơn hàng là chưa làm hết trách nhiệm được giao.
Theo tòa, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng những cán bộ của Cục Quản lý dược trong quá trình điều tra đã phối hợp tích cực, cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra; sau khi cấp phép nhập khẩu lô hàng do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Minh Hùng giải trình, cho thanh tra đột xuất VN Pharma… nên không truy cứu trách nhiệm hình sự và đề nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn kiến nghị tiếp tục làm rõ trách nhiệm hình sự, nếu có sẽ khởi tố trong một vụ án khác.
HĐXX kiến nghị làm rõ hành vi của Phan Đình Chương, cán bộ Chi cục hải quan Cửa khẩu quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM. Theo tòa, Phan Đình Chương có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ nhập khẩu 9.300 lô thuốc H-Capita 500mg Caplet nhưng không phát hiện việc làm gian dối của VN Pharma nên cần làm rõ trách nhiệm.
Làm rõ hành vi chi hoa hồng
Theo báo Tuổi trẻ, bên cạnh kiến nghị làm rõ sai phạm của các cá nhân tại Cục quản lý dược Bộ Y tế, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao làm rõ việc chi, nhận hoa hồng trong vụ án này.
Cụ thể, quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc - nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc.
Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỉ đồng. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách công ty.
Theo các bị cáo thì đây là khoản chi “hoa hồng” cho các lô thuốc trước đó. Riêng lô thuốc H-Capita do bị Cục quản lý dược Bộ Y tế niêm phong nên chưa bán ra thị trường.
Cơ quan điều tra nhận định do sự việc xảy ra đã lâu, số thuốc nhập về đã tiêu thụ, Cơ quan an ninh điều tra không thu giữ được tài liệu đầy đủ nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng trường hợp cụ thể để kết luận.
Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cũng kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao xem xét hành vi của ông Phan Xuân Thiện (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) và bà Hoàng Trúc Vi (nhân viên Phòng Nghiên cứu phát triển VN Pharma) vì có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu.
Tại phiên tòa ngày 25/8, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng lĩnh 12 năm tù về tội Buôn lậu. Bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) bị phạt 4 năm tù; Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm tù cùng tội danh trên. Với tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) bị phạt 2 năm tù treo, Phan Cẩm Loan lĩnh (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm 6 tháng tù, Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 1 năm 6 tháng tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) lĩnh 2 năm tù treo. |
(Tổng hợp)