Vụ tiêu hủy 15 con chó ở Cà Mau, chính quyền nêu căn cứ pháp lý.
Hình ảnh đôi vợ chồng vượt 300 km mang đàn chó 15 con về Cà Mau và bị tiêu hủy khiến nhiều người xót thương. Đến khi có kết cả cả 5 người trong đoàn mắc Covid-19, chính quyền địa phương nói ưu tiên chống dịch là trên hết.
Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời đã có buổi làm việc với các bên có liên quan.
"Tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Khanh và Hùng. Qua trao đổi cả hai nói có tiếc, ngậm ngùi khi đàn chó bị tiêu hủy, nhưng họ chấp hành để phòng, chống dịch. Họ nói sợ lây nhiễm dịch cho người khác. Phía địa phương cũng chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Phòng, chống dịch phải đi trước, trên một bước, lo cho tính mạng con người là đầu tiên. Còn nếu chu toàn cho đàn chó mà để lây lan dịch thì chính quyền địa phương phải gánh trách nhiệm rất lớn…”, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết.
Đến chiều cùng ngày, UBND huyện tổ chức họp thông tin cho báo chí về vụ việc. Nói về căn cứ pháp lý khi tiêu hủy đàn chó, ông Công cho biết: “Công tác phòng chống dịch là trước, trên hết. Đảm bảo, sức khỏe tính mạng, chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly là vấn đề quan tâm số 1. Đó là cái lý để chúng tôi tổ chức tiêu hủy”.
Theo ông Công, nói về quy định thì Bộ Y tế đã có công văn 4156 khuyến cáo người nhiễm Covid-19 không tiếp xúc gần với người khác và động vật. Trong khi đàn chó này nếu quản lý không được thì đó là một nguy cơ lớn. Bên cạnh đó, Nghị định 117 năm 2020 có quy định cụ thể việc việc xử lý đưa động vật từ vùng dịch về.
Chùm ca bệnh COVID-19 tại Hà Nam tăng lên 620 ca sau hơn 3 tuần.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính từ ngày 19/9 đến ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 620 ca mắc COVID-19.
Trong số 620 ca mắc đã ghi nhận, có 150 ca là công nhân tại khu công nghiệp. Đây là các trường hợp đã được cách ly hoặc trong vùng phong tỏa và có địa chỉ TP. Phủ Lý, huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục, huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội); huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình).
TP. Phủ Lý là địa phương có nhiều ca mắc nhất với 336 ca, tiếp đó là huyện Thanh Liêm 54 ca, huyện Kim Bảng 24 ca, huyện Bình Lục 16, thị xã Duy Tiên 6 ca và huyện Lý Nhân 6 ca.
Hiện nay, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, cùng với áp dụng các biện pháp phòng ngừa tích cực, ngành Y tế đang tập trung dồn lực phối hợp với các địa phương triển khai tiêm, theo dõi sức khỏe các đối tượng tiêm tại các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Thái Lan triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 5 triệu trẻ em.
Tại khu vực Đông Nam Á, từ đầu tuần này, Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh trên toàn quốc.
Cụ thể, từ đầu tuần này, Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 5 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11 và đã có khoảng 3,7 triệu học sinh từ 12-17 tuổi đăng ký tiêm vaccine.
Các học sinh tại 29 tỉnh trong "vùng đỏ sẫm" thuộc diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa sẽ được tiêm chủng trước, sau đó sẽ mở rộng ra các vùng khác trên cả nước.
Theo Bộ Y tế Thái Lan, sau gần 1 tuần triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em, đã có hơn hơn 150.000 trẻ đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Giáo dục Thái Lan, hơn 90% phụ huynh trên toàn quốc sẵn sàng cho con em mình tiêm vaccine.