Ngày 18/4, VTC News dẫn lời đại diện Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ đã trao đổi với trường THPT chuyên Đại học Vinh (trường Đại học Vinh) và Sở GD&ĐT Nghệ An. Bộ yêu cầu sớm các đơn vị điều tra, làm rõ sự việc liên quan vụ nữ sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các đơn vị kịp thời quan tâm, động viên, ổn định tinh thần học tập của học sinh, tránh những diễn biến tiêu cực tâm lý các em.
Thông tin về sự việc trước đó, báo VietNamnet cho hay, vào tối 15/4, Trường ĐH Vinh nhận được thông tin em N.T.Y.N - học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên ĐH Vinh, mất tại nhà riêng ở phường Trung Đô, TP Vinh.
Sau đó, 16/4, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nữ sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên ĐH Vinh tự vẫn do bị đánh hội đồng, ngược đãi và bị áp đảo tâm lý, kèm theo đó là clip học sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận.
Ngay sau khi có thông tin trên, Trường ĐH Vinh đã làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Chuyên, trợ lý quản lý học sinh, giáo viên chủ nhiệm và đại diện học sinh lớp 10A15 để nghe báo cáo sự việc. Qua thông tin ban đầu, nhà trường báo cáo sự việc em N.T.Y.N - học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên ĐH Vinh mất tại nhà riêng ở Phường Trung Đô, TP Vinh là có thật.
Tuy nhiên, về đoạn clip học sinh đánh nhau lan truyền trên mạng xã hội cùng thời gian trên, giáo viên chủ nhiệm và các học sinh đại diện của lớp 10A15 khẳng định nữ sinh bị đánh trong clip không phải là em N.T.Y.N. Những người tham gia đánh cũng không phải là học sinh của Trường THPT Chuyên ĐH Vinh.
Ông Đạt cho biết, hiện, Trường ĐH Vinh và Trường THPT Chuyên ĐH Vinh đang phối hợp với các cơ quan chức năng và các bên liên quan (gia đình học sinh, giáo viên chủ nhiệm, các học sinh trong lớp...) để làm rõ nguyên nhân sự việc.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với báo Dân trí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, qua sự việc cho thấy cần phải xem lại hai vấn đề.
Thứ nhất, vấn đề tham vấn học đường hiện nay chưa tốt. "Khi sự việc xảy ra, cần xem xét lại công tác tham vấn học đường đã được các đơn vị thực hiện tốt theo quy định được nêu ra trong thông tư 31/ 2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông hay chưa.
Thứ hai, chúng ta cần phải xem lại việc chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường hiện nay như thế nào", ông Hoa Nam nói.
Về điều này, nhiều lần PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng trên báo giới.
Theo chuyên gia này, lâu nay việc tham vấn học đường hay chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học đang rất lỏng lẻo, không có nhân lực, chủ yếu cán bộ kiêm nhiệm và chưa có đầu tư đúng mức.
Qua sự việc đau lòng trên đây, này, TS Trần Thành nam rất mong muốn nâng cao giáo dục trong các nhà trường, đặc biệt tổ tư vấn tâm lý học đường về xử lý tình huống sau bạo lực tại trường học và phục hồi tâm lý cho người bị bạo lực.
Đặc biệt sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng ta đang sao lãng hệ thống an toàn trong nhà trường: Phòng tư vấn tâm lý thì tê liệt; camera góc khuất không vận hành…, khiến nhiều học sinh không biết giải tỏa cùng ai.
Thủy Tiên (T/h)