Theo báo Người lao động, bệnh nhân tên T.V.R (SN 1953, ngụ TP.Vũng Tàu), sáng 28/11, bệnh nhân nhập viện, khai ăn bánh mì tại Vũng Tàu, sau đó đau bụng, nôn và tiêu chảy. Bệnh nhân tiền căn thay van động mạch chủ sinh học (cách nay 4 năm), tăng huyết áp.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thay van động mạch chủ sinh học. Bệnh viện Bà Rịa đã xử lý dịch truyền, giảm đau, cho các xét nghiệm liên quan. Sau khi nhập viện tại Khoa Nội tim mạch lão học, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa mức độ nặng, tổn thương thận cấp, thay van động mạch chủ sinh học. Chẩn đoán phân biệt ngộ độc thực phẩm. Sau đó được theo dõi và điều trị, dịch truyền, kháng sinh, thuốc ức chế.
Lúc 16h10 ngày 28/11, bệnh nhân đột ngột tím tái, huyết áp không đo được, không bắt được mạch. Chẩn đoán hồi sức sau ngưng tim ngưng thở - choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, van động mạch chủ sinh học, tăng huyết áp, tổn thương thận cấp. Bệnh nhân ngưng tim lần 2.
Đến 21h30 cùng ngày, người thân xin đưa bệnh nhân về sau đó được xác định tử vong.
Liên quan đến vụ việc, theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thái, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết nghe thông tin về vụ việc vào trưa 29/11 và đang yêu cầu Bệnh viện Bà Rịa báo cáo. Theo ông Thái, các ngành chức năng chưa nhận được kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn từ TP.HCM.
Trước đó, vào các ngày 27 và 28/11, hơn 310 người dân Vũng Tàu bị ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì tại tiệm tên C.B. ở đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP.Vũng Tàu. Tất cả đều ăn bánh mì hoặc xôi vào tối 26/11 hay sáng 27/11 mua tại tiệm nói trên.
Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra cơ sở bán bánh mì C.B. Qua xác minh, cơ sở này chưa xuất trình các giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận đủ sức khỏe và danh sách xác nhận đã tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm và nguyên liệu…
Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ của cơ sở chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh (sơ chế, chế biến dưới sàn nhà; dụng cụ và nguyên liệu không được kê cao; tường khu vực rửa bị ẩm mốc). Quy trình chế biến không theo nguyên tắc một chiều.
Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ mẫu thực phẩm còn lại tại cửa hàng và một mẫu bệnh phẩm (chất nôn) từ bệnh viện gửi Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh.
Cũng liên quan tới sự việc này, ngày 28/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị khẩn trương tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân, theo báo Công Thương.