+Aa-
    Zalo

    Vụ khách hàng gặp sự cố khi phẫu thuật nâng ngực, chị em phụ nữ chú ý gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau vụ việc chị Nguyễn Ngọc L gặp sự cố sau phẫu thuật ngực tại bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C, chị em phụ nữ nên cẩn thận trước khi muốn phẫu thuật ngực .

    Sau vụ việc chị Nguyễn Ngọc L gặp sự cố sau phẫu thuật ngực tại bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C, chị em phụ nữ nên cẩn thận trước khi muốn phẫu thuật ngực .

    Sự cố sau phẫu thuật ngực của chị Nguyễn Ngọc L

    Vụ việc chị Nguyễn Ngọc L. (36 tuổi trú tại Hàng Vôi – Hoàn Kiếm – Hà Nội) có làm phẩu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C và xảy ra sự cố.

    Mới đây, phía Bệnh viện đã trao đổi và cho rằng: "Việc khách hàng Nguyễn Ngọc L. có hiện tượng tụ máu vết mổ do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật là hiện tượng hoàn toàn bình thường, đặc biệt là các ca đại phẫu như phẫu thuật nâng ngực".

    Vụ khách hàng gặp sự cố khi phẫu thuật nâng ngực: Bệnh viện khẳng định, sau 1 tháng các vết bầm sẽ tan - Ảnh 1.

    Hình ảnh ngực chị L. bị bầm tím sau khi phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực.

    Phía Bệnh viện cũng giải thích: "Bản thân việc chảy dịch cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình giải phóng dịch máu cũ ra ngoài. Trong trường hợp này, chị L. đã yêu cầu phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa hay còn gọi là quầng núm vú, các thao tác bóc tách mô và mao mạch trực tiếp dưới quầng ngực sẽ làm tổn thương mao mạch nghiêm trọng hơn thao tác đưa túi độn trực tiếp vào dưới cơ qua đường rạch ở nách, do đó việc các mao mạch bị tổn thương dẫn tới bầm tím là điều dễ hiểu.

    Vì vậy, chỉ cần không có các biểu hiện nhiễm trùng như: Người bệnh không sốt, không bị nóng ran tại vùng phẫu thuật thì có thể kết luận quá trình hồi phục đang diễn ra hoàn toàn bình thường. Sau 20 ngày đến 1 tháng tùy cơ địa mỗi người các cơ dần hồi phục, vết bầm sẽ tan đi".

    Ngoài ra, phía Bệnh viện cũng khẳng định: "Điều đầu tiên chị L. nên làm cũng này là bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, tiếp tục tuân thủ đúng quy trình chăm sóc tại nhà đồng thời đến tái khám tại địa chỉ phẫu thuật. Dựa vào kết quả khám cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định việc hút dịch có cần thiết không, nếu như lượng máu tụ nằm trong ngưỡng cho phép cơ thể có thể tự hấp thụ mà không cần can thiệp hút dịch".

    Cũng theo thông tin chúng tôi nhận được từ phía Bệnh viện, chiều ngày 24/5 lãnh đạo bệnh viện đã đến nhà chị L. để tiến hành thăm khám. Tuy nhiên, chị L. từ chối tiếp.

    Tai biến có thể xảy đến khi phẫu thuật nâng ngực

    Nâng cấp vòng 1 bằng cách đặt túi nâng ngực là một phẫu thuật khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Số ca phẫu thuật nâng ngực mỗi năm đều tăng và luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các loại thủ thuật thẩm mỹ. Theo thống kê hàng năm của Hội Bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ (ASPS), số ca phẫu thuật nâng ngực ở Mỹ năm 2000 là 212.500, năm 2010: 296.203, năm 2011: 307.180. Theo thống kê mới nhất năm 2012, số ca phẫu thuật nâng ngực vẫn đứng đầu nhóm 5 loại phẫu thuật làm đẹp phổ biến nhất.

    Một điển hình về việc bác sĩ chiều theo ý muốn bất thường của bệnh nhân

    Cô Sheyla Hershey 28 tuổi, ở Houston, Mỹ, người đặt túi ngực lớn nhất thế giới với size khủng KKK (34 FFF) chứa 1 gallon gel silicon (3,875 lít). Đây là lượng silicon tối đa được phép đưa vào cơ thể theo luật bang Texas. Cô đã trải qua 18 lần mổ đặt túi (có 4 lần nhiễm trùng phải lấy bỏ túi) để có được kích thước như vậy. Tuy nhiên, cô vẫn chưa hài lòng nên dự định trở về Brazil quê cô, nơi luật không hạn chế cỡ túi để làm ngực lớn hơn.

    Phẫu thuật nâng ngực ngày càng phổ biến vừa là do nhu cầu xã hội ngày càng tăng vừa là do phương pháp này ngày càng đạt hiệu quả thẩm mỹ hơn và an toàn hơn.

    Tuy nhiên về mặt khoa học chưa thể có một chất liệu nhân tạo nào là hoàn hảo và an toàn tuyệt đối về sinh học khi cấy ghép vào cơ thể. Hơn nữa, việc cấy ghép được thực hiện bằng kỹ thuật phẫu thuật nên cũng tiềm ẩn những nguy cơ cho cơ thể như các phẫu thuật ngoại khoa khác. Dù đã có rất nhiều tiến bộ và thành công, giảm thiểu các tai nạn nhưng tai biến và biến chứng trong phẫu thuật nâng ngực vẫn còn là một nỗi lo của cả bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật.

    Ở Việt Nam cũng đã có những tai biến và biến chứng do phẫu thuật nâng ngực mà dư luận được biết qua các phương tiện truyền thông. Những tai biến phẫu thuật thường là tai biến do phản ứng với thuốc khi gây mê và cũng rất hiếm hoi. Trong hàng chục năm qua, trên cả nước ta chỉ mới có thông tin chính thức về một vài trường hợp bệnh nhân tử vong khi phẫu thuật nâng ngực. Nhưng các trường hợp biến chứng sau phẫu thuật nâng ngực thì gặp nhiều hơn (5 - 15%) kể cả biến chứng sớm sau mổ và biến chứng muộn sau một vài năm.

    Biến chứng sớm sau mổ nguy hiểm nhất là chảy máu.

    Đây là trường hợp chảy máu thứ phát sau mổ do cầm máu không kỹ khi phẫu thuật hoặc do các nguyên nhân bất thường khác như chấn động cơ thể trong quá trình vận chuyển bệnh nhân sau mổ hay do bệnh nhân đi lại quá sớm, bị té ngã... Với loại tai biến này, nếu có sự theo dõi hậu phẫu chu đáo, có thể phát hiện sớm do ngực bệnh nhân bị căng, đau và bắt buộc phải được đưa vào phòng mổ kiểm tra để xử lý kịp thời.

    Nhiễm trùng là tai biến quan trọng thứ hai cần chú ý. Nhưng nếu điều kiện vệ sinh y tế tại các bệnh viện nghiêm ngặt và sự tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn của các nhân viên y tế tốt thì tai biến nhiễm trùng sẽ dễ dàng bị loại trừ.

    Ngực bị toác, lộ túi ngực và bị nhiễm trùng

    Có một tai biến khác là hoại tử núm vú có thể biểu hiện chỉ một vài ngày sau mổ khi nguồn máu nuôi núm vú bị tổn thương hoặc mất hẳn trong các trường hợp phẫu thuật đi qua đường quầng vú hoặc kết hợp với chỉnh sửa tổ hợp quầng núm vú. Nếu xảy ra hoại tử nặng, rụng mất núm vú sẽ gây hậu quả thẩm mỹ nặng nề và tổn thương nhiều về mặt tâm lý tinh thần cho người bệnh. Đã có trường hợp hoại tử núm vú như vậy xảy ra dẫn đến khiếu kiện và Tòa án đã tuyên phạt bác sĩ phẫu thuật phải bồi thường cho bệnh nhân số tiền lên đến trên 220 triệu đồng.

    Các loại biến chứng muộn sau phẫu thuật một thời gian thường là các vấn đề về phương diện thẩm mỹ. Biến chứng ngực không đều (cao thấp, to nhỏ) thấy sớm sau mổ thường là do phẫu thuật và cũng thường chỉ bộc lộ sau vài tuần đến vài tháng khi đã hết sưng nề. Co thắt bao xơ là biến chứng muộn hơn có tỷ lệ 3 - 5,5% và thường xuất hiện sau 6 tháng đến 1 năm do nhiều nguyên nhân như do loại túi ngực, do cuộc phẫu thuật hoặc do cơ địa bệnh nhân phối hợp gây ra. Biến chứng co thắt bao xơ không nguy hiểm mà chỉ gây đau và làm ngực cứng, xấu, méo mó, cần phải được can thiệp phá bỏ bao xơ hoặc lấy bỏ túi ngực.

    Các biến chứng khác như sẹo xấu (sẹo lồi, sẹo lộ liễu), túi gấp nếp (do đặt túi lớn hơn bao hoặc co bao), sờ thấy túi (do đặt túi nông hoặc teo mô quanh túi), vú có 2 tầng do da thừa hơn túi và chảy xệ... là những biến chứng không phải hiếm gặp, thường ảnh hưởng tới hiệu quả thẩm mỹ và bệnh nhân không hài lòng. Việc phẫu thuật lại để xử lý thường là cần thiết nhưng thường rất khó đạt kết quả như mong muốn. Các trường hợp co thắt bao xơ, teo mô vú, sờ thấy túi ngực thường rất khó khăn để đạt được kết quả làm hài lòng bệnh nhân.

    Có những trường hợp phải mổ lại 2 - 3 lần, phải kết hợp thêm các biện pháp khác như cấy ghép mỡ, chất làm đầy... Thậm chí đã có trường hợp một phụ nữ nâng ngực năm 25 tuổi mà phải trải qua 5 lần mổ trong vòng 7 năm với 4 bác sĩ khác nhau mới có được kết quả tạm yên lòng năm cô 32 tuổi. Rất may là các biến chứng loại này cũng rất ít gặp. Các lỗi khác như đặt túi quá to hoặc quá nhỏ, đặt túi sai vị trí tự nhiên... có thể do tính toán sai của bác sĩ phẫu thuật hoặc do ý muốn không hợp lý của bệnh nhân về kích cỡ ngực cũng gây những kết quả thiếu thẩm mỹ và cần phải can thiệp lại để xử lý nhằm đạt kết quả thẩm mỹ mong muốn.

    Giấc mơ làm đẹp "núi đôi" ngày càng trở nên phổ biến và không ngừng thôi thúc chị em phụ nữ. Từ những cô gái khi lớn lên không có may mắn được tạo hóa ban cho bộ ngực đẹp như "đôi gò bồng đảo", đến những chị em đã ít nhất một lần "mang nặng đẻ đau" mà thiên chức làm mẹ đã lấy đi của họ ít nhiều sắc đẹp và tuổi thanh xuân. Nhưng từ giấc mơ đến hiện thực là một chặng đường không đơn giản. Thành quả tốt đẹp chỉ có được từ bàn tay tài hoa với sự tận tâm của người thầy thuốc thẩm mỹ và từ sự hiểu biết, lựa chọn thông minh của mỗi bệnh nhân để các cuộc phẫu thuật làm đẹp luôn luôn là cần thiết, an toàn và mỹ mãn.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-khach-hang-gap-su-co-khi-phau-thuat-nang-nguc-chi-em-phu-nu-chu-y-gi-a191339.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan