Chiều 12/11, Tuổi Trẻ Online đưa thông tin cho hay, tại cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức), Viện Y tế công cộng TP.HCM đã phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM lấy mẫu, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng 22.632 lon sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi nhập khẩu từ Úc.
Theo đó, đây là động thái được thực hiện ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 8297/VPCP-KGVX và ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Y tế, để nhanh chóng xử lý lô hàng 22.362 lon sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi nhập khẩu từ Úc, ủng hộ trẻ em ở TP.HCM trong dịch COVID-19.
Theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm các tiêu chí theo quy định hiện hành và kiểm tra các nội dung ghi nhãn trên sản phẩm.
Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm trích từ nguồn kinh phí đặc thù được giao năm 2021.
Cục cũng yêu cầu báo cáo kết quả kiểm nghiệm, kết quả kiểm tra đối với lô hàng sữa gửi trước ngày 14/11 để cục xem xét, báo cáo lãnh đạo bộ Y tế và phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành thông quan.
Như vậy, hướng xử lý cho lô hàng viện trợ hơn 22.000 hộp sữa nhập từ Úc đã có sau gần một tháng lô hàng cập cảng thành phố và nhiều công văn qua lại giữa các đơn vị.
Liên quan đến sự việc, Báo Tin Tức đưa tin, trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 9/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã nêu lên câu chuyện lô hàng hơn 22.000 hộp sữa được kiều bào tại Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn do dịch bệnh về đến TP.HCM gần 1 tháng chưa lấy ra được do vướng các quy định "đúng quy trình" nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc" để dẫn chứng cho việc một số cơ quan, đơn vị chưa ý thức được trách nhiệm tham mưu.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, khi lô hàng về đến TP.HCM, địa phương đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Sau đó, Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị Thành phố xin ý kiến Chính phủ và điều đáng nói là sau khi Thành phố có công văn đến Chính phủ thì Chính phủ lại giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời.
Bà Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề về việc để lô hàng cả tháng chưa lấy ra được là lỗi do ai và tại sao Cục An toàn thực phẩm không tham mưu, nêu chính kiến của mình.
Bà Tô Thị Bích Châu mong muốn Chính phủ tạo cơ chế hành chính thông thoáng, quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, từng cán bộ trong tham mưu những việc cần thiết, không cần "nhờ vả" hay "quen biết", mà việc vẫn chạy, có lợi nhất cho người dân, đặc biệt người dân khó khăn trong đại dịch.
Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, "vì có rất nhiều vấn đề vướng mắc để Nghị định kịp đi vào cuộc sống".
Thủy Tiên (T/h)