Cơ quan điều tra huyện Đông Hải đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Doãn Thanh Nam - tài công điều khiển chiếc tàu bị chìm trên của biên Gành Hào khiến 2 nữ sinh thiệt mạng.
Liên quan đến vụ chìm tàu tại Bạc Liêu, báo VnExpress dẫn lời đại tá Trần Hoàng Nhủ - Trưởng Công an huyện Đông Hải (Bạc Liêu), sáng 8/4, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Doãn Thanh Nam (35 tuổi) về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Nam là tài công tàu cá chở 39 người dự lễ Nghinh Ông hôm 6/4. Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn được cho là Nam không chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy, chở quá tải...
Chiếc tàu chở hàng chục người bị lật úp khiến 2 người tử vong, 1 người mất tích - Ảnh: báo VnExpress |
Như báo VietNamNet đưa tin trước đó, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 10h sáng 6/4. Chiếc tàu mang biển số BL 93.322 do bà Nguyễn Thị Lời làm chủ, tài công Doãn Thanh Nam (con bà Lời) điều khiển, chở 39 người tham gia lễ hội Nghinh Ông.
Khi tàu chạy ra cách cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải khoảng 2km thì gặp phải sóng to, gió lớn nên bị chìm. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã triển khai ngay công tác cứu hộ cứu nạn.
Theo thống kê ban đầu, thời điểm xảy ra tai nạn trên tàu có 39 người, 2 trong số 39 người đã tử vong, 1 người hiện mất tích.
Hai nạn nhân tử vong được xác định là nữ sinh Trần Tú T. (ngụ ấp Cây Giang, xã Long Điền) và nữ sinh Lê Ngọc H. (ngụ ấp 1, thị trấn Gành Hào). Nạn nhân mất tích là Lưu Thị Mỹ D (ở số 92, ấp 1, thị trấn Gành Hào) vẫn chưa được tìm thấy.
Điều 212. Hành vi Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao; b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Tổng hợp