+Aa-
    Zalo

    Vụ cây phượng bật gốc, đè học sinh tử vong ở TP.HCM: Trách nhiệm thuộc về ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, nếu việc gãy, đổ cây do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

    Theo luật sư, nếu việc gãy, đổ cây do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

    Vụ cây phượng gãy đổ tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) vào sáng 26/5 khiến em N.T.K. (12 tuổi) tử nạn. Ngoài ra, sự cố còn khiến 12 học sinh khác bị thương. Những học sinh bị thương nặng được phẫu thuật xong, sức khỏe đã ổn định.

    Xung quanh vụ việc nghiêm trọng này, dư luận đặt ra câu hỏi việc đổ cây trong trường hợp này được xem là sự cố hay trách nhiệm thuộc về ai?

    Hiện trường xảy ra vụ việc. (Ảnh: Tuổi trẻ)

    Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Có thể thấy, sự việc cây xanh gãy, đổ dẫn đến thương vong cho học sinh là một sự việc đáng tiếc và khá hy hữu trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, cần làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc cũng như xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra đối với các em học sinh".

    Luật sư Bá phân tích, theo quy định tại Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, cây xanh được trồng trong khuôn viên trường học được xem là cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị.

    Theo đó, tại Điều 16, Nghị định 64/2010/NĐ-CP có nêu rõ, các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý. Như vậy, có thể thấy rằng cây được trồng trong khuôn viên trường học thì trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ thuộc về nhà trường.

    Điều 11, Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định, cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

    Do đó, bên cạnh việc cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc cây phượng bị đổ, gãy thì đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị được nhà trường giao trực tiếp quản lý, chăm sóc và bảo vệ cây để từ đó có cơ sở xác định trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc và bảo vệ cây.

    Luật sư Vũ Quang Bá.

    Luật sư Bá nhấn mạnh, hiện nay, theo quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra có quy định rõ, chủ sở hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Vụ việc dẫn đến hậu quả làm 1 học sinh tử vong cùng nhiều học sinh khác bị thương. Do đó, việc bồi thường thiệt hại sẽ được xác định đối với trường hợp thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm.

    "Tuy nhiên, nếu việc gãy, đổ cây do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo quy định Bộ luật dân sự, sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép", luật sư Bá nhận định.

    Việt Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-cay-phuong-bat-goc-de-hoc-sinh-tu-vong-o-tphcm-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a324854.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan