Liên quan đến tình trạng hàng loạt cá biển, nghêu chết chưa rõ nguyên nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã phát hiện có chất tẩy rửa trong mẫu nước biển.
Báo VOV dẫn lời bà Võ Thị Vân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Kiên Giang chiều 19/5 cho biết, qua kết quả phân tích chất hoạt động bề mặt trong nước tại vị trí cửa kênh Tam Bản, khu vực hải sản chết hàng loạt trong thời gian qua có sự xuất hiện các chất n-hexadecanoid acid và Octadecanoid acid. Những chất này thường sử dụng trong sản xuất xà bông, chất tẩy rửa, mỹ phẩm.
Tuy nhiên, theo Sở này thì chưa tìm thấy mối tương quan giữa các cơ sở sản xuất trong khu vực với sự hiện diện các chất này trong môi trường nước.
Trong khi đó, chỉ tiêu nhu cầu ôxy hoá học tại 3 vị trí trong kênh Tam Bản vượt từ 1,2 – 1,5 lần. Tuy nhiên, với mức độ ô nhiễm này thì chưa thể gây chết hàng loạt động vật thủy sinh, nếu trong nước không có độc chất.
Cá chết nổi trắng mặt biển - Ảnh: báo Dân trí |
Theo kết quả phân tích ảnh viễn thám cũng không tìm thấy có nguyên nhân ô nhiễm từ biển trên diện rộng tại khu vực Kiên Lương, Hà Tiên.
Báo Dân trí đưa tin, Sở TN&MT và Phòng TN&MT Kiên Lương tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Theo bà Vân, Sở sẽ tập trung ưu tiên rà soát, cập nhật tình hình bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm đối với các cơ sở nuôi tôm công nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống và nhà máy chế biến thủy sản. Đồng thời chỉ đạo Phòng TN&MT huyện Kiên Lương phối hợp với UBND xã Dương Hòa thành lập tổ giám sát cộng đồng đối với các nguồn thải vào kênh Tam Bản, kênh Cây Me, vùng biển ven bờ trong khu vực.
Hiện Sở TN&MT Kiên Giang xác định, chưa tìm thấy nguyên nhân làm cá, nghêu chết có nguồn gốc từ biển.
Như báo Lao Động đã thông tin, tình trạng thủy sản chết hàng loạt ở Kiên Giang diễn ra từ nhiều ngày qua. Tính đến thời điểm này, tổng số cá bị chết là 14.000 con gồm 3 loại: 10.000 con cá mú, 1.000 con cá bóp, 3.000 con cá chẽm. Tổng diện tích nuôi nghêu, sò bị ảnh hưởng (thiệt hại từ 50% trở lên) lên tới 558ha. Phạm vi thiệt hại trải dài trên 30km từ cầu Tô Châu (thuộc thị xã Hà Tiên) đến xã Bình An (thuộc huyện Kiên Lương).
Chỉ riêng tại huyện Kiên Lương, khu vực cá chết nhiều nhất trải dài khoảng 10km thuộc các ấp: Tà Săng, Mũi Dừa, Bãi Chà Và thuộc địa bàn xã Dương Hòa.
Ông Ong Văn Lình, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho hay, ngay sau khi nhận được tin báo cửa người dân, xã đã cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường nắm bắt vụ việc, đồng thời báo cáo với huyện về tình hình nêu trên.
Ngoài ra, xã còn chỉ đạo cho các đoàn thể, các ấp vận động bà con không nên vớt cá để ăn hoặc đem bán, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con trong khi chờ kết luận của ngành chức năng. Ngoài ra, tại hợp tác xã nuôi nghêu Thuận Yên (thị xã Hà Tiên) đã có hàng chục tấn nghêu thương phẩm của hợp tác xã bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng…
(Tổng hợp)