“Ở huyện có 8 đến 9 người quan hệ họ hàng với nhau, tôi cho rằng có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nhắc đến vụ việc "cả họ làm quan" huyện Mỹ Đức đang gây xôn xao dư luận.
Sáng ngày 29/9, ông Đào Đức Toàn - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội - gặp gỡ báo chí giải đáp những thông tin liên quan đến vụ việc nhiều người thân của lãnh đạo huyện Mỹ Đức làm cán bộ công chức. Theo ông Toàn nếu đối chiếu những quy định hiện hành thì huyện Mỹ Đức không sai trong công tác cán bộ.
Ông Toàn cho biết, đại hội 23 của Đảng bộ huyện Mỹ Đức có những nội dung công việc chưa đạt kết quả tốt. Đặc biệt là có biểu hiện cục bộ giữa vùng miền, giữa các bộ phận. Do vậy, tại đại hội một số chức danh theo đề án nhân sự huyện xây dựng, Thành ủy duyệt không trung cấp ủy. Cụ thể, đó là chức danh Chủ tịch UBND và chức danh Chủ tịch Mặt trận tổ quốc, không trúng cử tại đại hội.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nói về vụ “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức. |
Ngay sau đại hội của huyện Mỹ Đức, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp đưa ra chủ trương tăng cường cán bộ để về làm Chủ tịch UBND huyện. Theo đó, ngày 28/9, HĐND huyện Mỹ Đức họp phiên bất thường để kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND huyện. Ông Nguyễn Văn Hoạt - Phó Chánh văn phòng UBND TP tăng cường về huyện được tín nhiệm tuyệt đối, bầu làm Chủ tịch UBND, Phó Bí thư huyện Mỹ Đức.
Theo ông Toàn, vấn đề “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. “Xem xét quy định của Đảng, Nhà nước và Luật Cán bộ công chức đã quy định rất rõ những chức danh không được bố trí người thân ở trong gia đình đảm nhận. Đối chiếu lại các quy định, những trường hợp báo chí, đơn thư nêu ra thì huyện Mỹ Đức không vi phạm”, ông Toàn nói.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, quy trình xem xét, đoàn công tác đã xác minh kỹ cán bộ huyện Mỹ Đức được bố trí, đảm nhiệm chức danh có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Ngoài việc cán bộ đủ năng lực, tiêu chuẩn thì quy trình bổ nhiệm có khách quan, đúng nguyên tắc hay không cũng được đặt ra. Vấn đề nữa là sau khi bổ nhiệm, những cán bộ này có phát huy tốt năng lực hay không.
“Ở huyện có 8 đến 9 người quan hệ họ hàng với nhau, tôi cho rằng có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên. Còn nói những trường hợp cụ thể, hầu như cán bộ đều trải qua quá trình công tác ở huyện Mỹ Đức”, ông Toàn giải thích.
Ông Toàn đưa ra từng trường hợp báo chí phản ánh như ông Lê Văn Sơn, người đảm nhận chức Trưởng ban Tổ chức huyện Mỹ Đức từ năm 2005. “Thời điểm đó ông Sang là Trưởng phòng Tài chính, mãi đến 2012 mới làm Bí thư Huyện ủy. Điều đó cho thấy ông Sơn còn làm cán bộ chủ chốt trước ông Sang. Nói ông Sang lợi dụng chức vụ để bố trí chức danh cho ông Sơn là chưa đúng, không thuyết phục”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội giải đáp.
Trường hợp bà Lê Thị Vĩnh, theo phản ánh thì ông Sang phải gọi bằng cô, cũng có quá trình công tác ở ngành tài chính hơn 30 năm. Bà Vĩnh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tài chính huyện Mỹ Đức khi ông Sang chưa làm Bí thư.
Về trường hợp con trai ông Sang là Lê Văn Trang, sinh năm 1983, làm Bí thư một xã An Phú ở huyện Mỹ Đức cũng được giải thích cụ thể. Theo ông Toàn con trai ông Sang có quá trình công tác từ cán bộ thuế, chuyển về làm ở Phòng Tài chính, sau đó luân chuyển xuống cấp xã. Ông Toàn đánh giá nếu về tiêu chuẩn thì con trai ông Sang chưa hẳn là bí thư cấp xã trẻ tuổi. Quá trình công tác con trai ông Sang cũng được đánh giá được đào tạo bài bản, có năng lực, nhiệt tình.
“An Phú là xã khó khăn nhất của thành phố, nơi đấy có rất nhiều đồng bào dân tộc, tôn giáo rất phức tạp. Xét góc độ nào đó, nhiều cán bộ muốn con mình làm ở vị trí thuận lợi, chưa chắc đưa về nơi khó khăn công tác. Vì nếu làm tốt thì không sao, làm không tốt thì có khi mất uy tín cả bố lẫn con”, ông Toàn nói thêm.
Theo Dân trí
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] yfGv7EsZRT[/mecloud]