+Aa-
    Zalo

    Vụ bầu Kiên, Huyền Như: Luật sư đề nghị Quốc hội giám sát

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các luật sư đã gửi văn bản đề nghị Quốc hội giám sát quá trình giải quyết 2 vụ án Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như.

    Các luật sư đã gửi văn bản đề nghị Quốc hội giám sát quá trình giải quyết 2 vụ án Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như.
    Tham gia tố tụng trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, các luật sư Bùi Quang Nghiêm, Vũ Xuân Nam, Hoàng Đôn Hùng (cùng bảo vệ quyền lợi cho ông Kiên), Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi cho ông Lý Xuân Hải) đã gửi một văn bản dài 18 trang đề nghị Quốc hội giám sát quá trình giải quyết 2 vụ án Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như, do 2 vụ án này có liên quan đến nhau.
    Lý do đề nghị Quốc hội giám sát
    Theo các luật sư, đây là hai trong số các vụ án được xếp vào diện “đại án” tham nhũng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được giám sát, chỉ đạo từ Ban chống tham nhũng trung ương, Ban Nội chính trung ương, liên ngành tư pháp trung ương.
    Có nhiều vấn đề phát sinh đã được đặt ra, công luận phản ánh về cả hai vụ án, đặc biệt là về trách nhiệm hoàn trả tiền gửi của Ngân hàng Công thương hay của cá nhân Huyền Như, với số tiền chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay, 4.900 tỷ đồng.
    Kết quả xử lý 2 vụ án này sẽ tác động rất lớn đến dư luận xã hội, đến lòng tin của xã hội vào pháp luật.
    Cả hai vụ án đều có liên quan đến việc áp dụng điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng về hoạt động ủy thác của ngân hàng thương mại, trong đó có việc hướng dẫn, giải thích điều luật này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
    Kết quả xử lý 2 vụ án này tác động lớn đến môi trường kinh doanh, đầu tư, đặc biệt khi Quốc hội chuẩn bị xem xét sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
    Vụ bầu Kiên
    Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, ông Kiên cùng các cá nhân nguyên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
    Ông Kiên cùng 2 cá nhân khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cá nhân ông Kiên bị truy tố về tội kinh doanh trái phép và trốn thuế.
    Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để trục lợi cho cá nhân mình. Không có một tội danh nào liên quan đến nhóm hành vi tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng trong vụ án Nguyễn Đức Kiên.
    Các luật sư mong muốn hai vụ án “Bầu Kiên” và “Huyền Như ” được phán quyết trên cơ sở tranh tụng đúng theo tinh thần cải cách tư pháp.
    Các luật sư mong muốn hai vụ án “Bầu Kiên” và “Huyền Như” được phán quyết trên cơ sở tranh tụng đúng theo tinh thần cải cách tư pháp.
    Về hành vi cố ý làm trái, cả Kết luận điều tra và Cáo trạng đều xác định ông Kiên và các cá nhân nguyên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu không hề có tư lợi cá nhân. Các luật sư cho rằng, xác định vụ án Nguyễn Đức Kiên là án tham nhũng là không phù hợp, có thể gây dư luận bất lợi cho các cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án.
    Bên cạnh đó, các luật sư cũng đề nghị xác định đúng bản chất các hành vi hiện ông Kiên cùng các cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm. Các nhận định cần được đánh giá trên cơ sở khoa học, lý luận, pháp lý, tránh suy diễn các hậu quả như lũng đoạn ngân hàng, gây rối loạn thị trường tiền tệ.
    Huyền Như “thoát” tội tham ô?
    Là quyền Giám đốc Phòng Giao dịch của Ngân hàng Công thương, Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 4.400 tỷ đồng (trên tổng số tiền chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng) tại Ngân hàng Công thương. Trong đó có hơn 500 tỷ đồng là tiền vay của chính Ngân hàng Công thương bằng hồ sơ giả. Số còn lại Huyền Như dùng chứng từ giả, chữ ký giả, dấu giả để rút tiền, chuyển tiền trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương.
    Theo quy định pháp luật, tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền, tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Trong quá trình điều tra, truy tố, đã hai lần Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định trách nhiệm trả tiền của Ngân hàng Công thương và xác định tội danh tham ô của Huyền Như.
    Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND tối cao đã có ý kiến: “Huỳnh Thị Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Công thương do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội tham ô tài sản, chứ không phải hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản”.
    Kết quả xét xử sơ thẩm, Huyền Như cùng các đồng phạm bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các khách hàng gửi tiền và không có ai bị xử lý về hành vi tham nhũng, dù tổng số tiền chiếm đoạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng.
    Các luật sư nêu, có dấu hiệu bỏ sót tội danh tham ô, hành vi tham nhũng nặng nhất trong một vụ được coi là “đại án” tham nhũng. Do Huyền Như không phạm tội tham ô, các nguyên nhân và điều kiện phạm tội tại Ngân hàng Công thương không được làm rõ.
    3.900 tỷ chưa được thu hồi
    Trong tổng số 3.900 tỷ đồng hiện chưa thu hồi được, theo phụ lục kèm theo Kết luận điều tra, gần 3.200 tỷ đã xác định được Huyền Như chuyển đi đâu nhưng các cơ quan tố tụng đã không thu hồi theo quy định.
    Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử cũng không làm rõ cụ thể tiền đi đâu và không áp dụng các biện pháp thu hồi.
    Tổng số tài sản của Huyền Như đã kê biên cho đến thời điểm này chỉ hơn 600 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền còn lại đang ở đâu, nếu nói Huyền Như dùng tiền trả nợ vay thì nợ vay trước đó đã dùng vào việc gì, các vấn đề này chưa hề được làm rõ.
    Đặc biệt, có đến 804 tỷ không xác định được Huyền Như sử dụng vào việc gì. Nội dung này thể hiện ngay trong phụ lục kèm theo kết luận điều tra và chưa được làm rõ tại phiên tòa.
    Việc xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương và thu hồi tiền trong vụ án Huyền Như có liên quan đến trách nhiệm hình sự cũng như dân sự của ông Kiên cùng các cá nhân nguyên Thường trực HĐQT Ngân hàng Á Châu.
    Giải thích luật các Tổ chức tín dụng
    Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có công văn hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định việc Ngân hàng Á Châu ủy thác cho cá nhân gửi tiền có vi phạm quy định về ủy thác hay không, quy định tại những văn bản nào, chế tài xử lý cụ thể như thế nào.
    Ngày 17/5/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 350/NHNN-TTGSNH do Phó chánh thanh tra giám sát Đặng Văn Thảo ký trả lời cơ quan điều tra nêu Ngân hàng Á Châu được thực hiện nghiệp vụ ủy thác nhưng việc ủy thác cho cá nhân khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và chưa có chế tài xử lý với hoạt động ủy thác khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
    Các luật sư nêu công văn 350 trên là văn bản giải thích luật, Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền giải thích luật, vì đây thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung giải thích của Ngân hàng Nhà nước cũng không phù hợp với thực tế, với quy định pháp luật. Công văn này được đóng dấu mật và không hề được gửi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện.
    Các luật sư cũng lưu ý về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với các sai phạm của Ngân hàng Công thương trong vụ án Huyền Như, trong suốt một thời gian dài, và ngay cả khi vụ án đã xảy ra, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý gì với Ngân hàng Công thương.
    Tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Huyền Như, đại diện Ngân hàng Công thương và luật sư của Ngân hàng này nêu các đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước thanh tra Ngân hàng Công thương (tại nơi xảy ra vụ án), trong và sau khi xảy ra vụ án cũng không phát hiện ra sai phạm gì, kết luận đơn vị này hoạt động đúng pháp luật.
    Đối với việc góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng thương mại, sau sự việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố, truy tố vì kinh doanh trái phép, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không có ý kiến gì về việc có hàng loạt doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần ngân hàng mà không có đăng ký kinh doanh ngành nghề này.
    Bản kiến nghị cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và có ý kiến về công văn 350 của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, đề nghị Ủy Ban thường vụ Quốc hội chính thức có giải thích về điều 106 Luật các TCTD.
    Nghiêm minh và khách quan
    Các luật sư đưa ra nhiều thông tin, phân tích, đề nghị về các trường hợp bỏ lọt tội phạm, xác định thực chất địa chỉ chống tham nhũng, nguyên nhân và điều kiện tham nhũng.
    Bản kiến nghị nêu các trình tự tố tụng luật pháp đã quy định đều đảm bảo cho việc xét xử được khách quan, nghiêm minh với mọi hành vi phạm tội, tránh oan sai.
    Theo các luật sư, không nên vì yêu cầu xét xử sớm mà hạn chế việc các cơ quan tố tụng trả lại hồ sơ, không nên vì yêu cầu xét xử sớm mà chấp nhận kết quả điều tra chưa đạt yêu cầu, chưa khách quan.
    Các luật sư cũng mong muốn các thông tin về hai vụ án được phản ánh và lắng nghe từ nhiều chiều, các phán quyết của Tòa án được đưa ra trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa đúng theo tinh thần cải cách tư pháp.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-bau-kien-huyen-nhu-luat-su-de-nghi-quoc-hoi-giam-sat-a31798.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan