Vừa qua, sự việc bà Hoàng Hường (tên thật là Hoàng Thị Hường, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã có phát ngôn gây sốc khi gọi người kinh doanh dịch vụ ở dốc Thẩm Mã là những "người ăn xin" và gọi mèn mén là "cám lợn" đã khiến dư luận “dậy sóng”.
Phát ngôn của bà Hoàng Hường đã khiến một bộ phận người dân ở huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) bức xúc, đồng thời có phản ánh về những phát ngôn trên tới các cơ quan chức năng.
Vụ việc đang được Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với các cơ quan chức năng khác xác minh, làm rõ.
Dưới góc nhìn của Chuyên gia Văn hóa, PGS TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay: Mèn mén vốn là món ăn truyền thống của người dân tộc Mông. Mỗi một vùng, miền của đất nước đều có bản sắc riêng cần được tôn trọng. Việc bà Hoàng Hường gọi món ăn truyền thống của người dân tộc Mông là “cám lợn” đã xúc phạm tới văn hóa của một bộ tộc người thiểu số. Cách gọi như vậy, không chỉ khiến người dân tộc thiểu số mà cả người Kinh là tộc người có số dân đông nhất trong 54 dân tộc ở Việt Nam có phản ứng, bức xúc.
“Việc gọi như vậy thể hiện sự thiếu tôn trọng văn hóa của dân tộc khác. Khi tôn trọng văn hóa của dân tộc khác cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng văn hóa của chính dân tộc mình; tôn trọng văn hóa của cộng đồng các quốc gia, cộng đồng các dân tộc việt Nam”, PGS TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Thầy Lê Quý Đức: “Có lẽ cô này (bà Hoàng Hường – PV) chưa thấu hiểu hết niềm tự hào, ý thức về văn hóa tộc người. Việc phát ngôn của cô này theo tôi đánh giá là không có lợi cho sự đoàn kết dân tộc, cho sự phát huy, tính đa dạng, đa văn hóa của các dân tộc Việt Nam”.
Tương tự, việc bà Hoàng Hường gọi người kinh doanh dịch vụ ở dốc Thẩm Mã là những "người ăn xin" đã mang hàm ý miệt thị người khác, đó là quan điểm của PGS TS Lê Quý Đức.
“Chúng ta nên chia sẻ với các em nhỏ, những người kinh doanh dịch vụ ở dốc Thẩm Mã cũng là một hình thức dịch vụ nào đó để kiếm tiền. Bản thân cô Hoàng Hường cũng làm dịch vụ để kiếm tiền cơ mà. Nếu ai đó cũng có lời nói khinh miệt ngành nghề, công việc của cô này thì phản ứng của cô này sẽ ra sao?”, thầy Lê Quý Đức đặt câu hỏi.
Theo quan điểm của Thầy Đức: Trong đời sống xã hội, ai làm bất cứ việc gì mà không cản trở người khác, không làm ảnh hưởng tới tự do của người khác, không vi phạm những quy tắc đạo đức, pháp luật thì đều là làm ăn chính đáng. Chúng ta không được quyền phê phán, bình luận hay miệt thị công việc của họ.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) dẫn chiếu quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng như sau: “Hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...”, là bị cấm trên không gian mạng.
Đối với phát ngôn gây tranh cãi của bà Hoàng Hường, Luật sư Đức cho rằng: Cơ quan chức năng sẽ phải xác minh, làm rõ, đánh giá hậu quả từ việc phát ngôn của người phụ nữ này gây ra. Nếu có căn cứ cho thấy hành vi của bà Hường đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân thì người này sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, mức phạt tối đa 10 triệu đồng.
Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, Làm nhục người khác, Sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính hoặc Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tùy vào hành vi và hậu quả cụ thể khi cơ quan chức năng xác định phát ngôn của bà Hường là bịa đặt, xuyên tạc, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Từ vụ việc này, các chuyên gia cho rằng, đã là người nổi tiếng thì càng nên thận trọng trong phát ngôn, trong hành động để không ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của bản thân.
Tư Viễn