(ĐSPL) – Sáng 11/9, phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Mạnh Tường đã diễn ra tại Tòa án Nhân Dân tối cao.
[mecloud]jJtgdaFhIJ[/mecloud]
Đúng 8h15, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường tay bị còng rời xe đặc chủng vào phòng xử phúc thẩm Tòa án tối cao tại Hà Nội dưới sự áp giải nghiêm ngặt của nhiều cảnh sát.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, phiên tòa bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Chủ tọa cũng giải thích với Đào Quang Khánh (đồng phạm với Tường) do tại thời điểm này bị cáo đã là người thành niên do đó không cần thiết có người giám hộ.
Nghe chủ tọa hỏi: “Bị cáo còn tiếp tục giữ kháng cáo không", bị cáo Tường trình bày không kêu oan, chỉ xin giảm án. Còn nhân viên bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường khẳng định giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm.
Hai bị cáo tại phiên tòa ngày 11/9. |
Đào Quang Khánh là bị cáo thẩm vấn đầu tiên. Khánh cho biết rằng là không biết gì chuyện xảy ra ở trong Thẩm mỹ viện Cát Tường vì chỉ ở ngoài trông xe. Thấy đồng nghiệp nhốn nháo, hoảng sợ, nói có người chết, Khánh vào thấy chị Huyền nằm bất động. Trong lúc dọn dẹp phi tang, Khánh đã lấy chiếc iPhone5 của chị này.
Khánh nhận khoảng 23h hôm đó cùng tham gia mang xác chị Huyền lên xe của Tường, tuy nhiên không bàn bạc việc đưa thi thể đến để lại tại bệnh viện.
Chủ toạ công bố lời khai của Tường rằng Khánh là người đề xuất vứt phi tang, ngay lập tức bị cáo này phủ nhận. "Anh Tường có nói 'hay là đi vứt', bị cáo không nói gì và đồng tình. Lúc này chỉ có bị cáo, anh Tường và chị Hằng", Khánh khai và nói Tường là người đẩy xác ra khỏi thành cầu.
Trong lúc nghe bị cáo Khánh trình bày, Nguyễn Mạnh Tường ngồi cạnh đó mặt thất thàn, thở dài.
Trình bày tại tòa, bà Hằng (vợ của bị cáo Tường) khai, khoảng 17h ngày 19/10/2013, bà nhận được điện thoại của chồng thông báo có khách hàng tử vong tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Nhận được tin báo, bà đến ngay.
Tối cùng ngày, bà Hằng ngồi sau xe máy do Khánh điều khiển đi sau ôtô Tường lên cầu Thanh Trì. Trước lời khai của Khánh cho rằng khi đến đường Cổ Linh, Tường xi nhan xe tấp vào lề đường đề xuất bỏ xe máy để hai người lên ôtô, bà Hằng cho rằng không chính xác. “Tôi nhiều lần can ngăn chồng nhưng chồng tôi vẫn cố tình đi và phi tang xác xuống sông Hồng”, người phụ nữ này nói. Bà Hằng cho biết, lúc hai người ném xác xuống sông, bà ngồi trên ôtô.
[mecloud]QtCSZPdRTr[/mecloud]
Trước đó, ngày 23/12/2014, thông tin từ TAND Hà Nội, chiều 22/12/2014 toà đã nhận được đơn kháng cáo toàn bộ bản án của Nguyễn Mạnh Tường, người bị tuyên 19 năm tù cho cả hai tội Xâm phạm thi thể, mồ mả và Vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Trong đơn, bị cáo Tường cho rằng toà xử chưa thỏa đáng khiến tội chồng thêm tội, cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng và mức án là quá nặng.
Vợ Tường cũng làm đơn kháng cáo xin lại nửa chiếc xe ôtô mà toà sơ thẩm tuyên tịch thu để có kinh phí bồi thường cho gia đình bị hại Lê Thị Thanh Huyền.
Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ ruột nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) cho hay: “Ngay sau khi TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với Nguyễn Mạnh Tường vào tháng 12/2014, bản thân tôi cùng các thành viên trong gia đình đều mong muốn sự việc được khép lại. Kể từ ngày xảy ra sự việc với con tôi, đã gần 2 năm chúng tôi sống trong đau đớn, chúng tôi muốn sự việc sớm khép lại, không muốn lật nó lên nữa”.
Đề cập về phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra, bà Hiền khẳng định:“Bản án của Nguyễn Mạnh Tường tại phiên sơ thẩm tháng 12/2014 đã hoàn toàn hợp lý với tội danh mà Tường gây ra. Gia đình chúng tôi thống nhất ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm tuyên án là sẽ không kháng án. Tuy nhiên, Tường lại kháng cáo toàn bộ bản án chỉ sau có 12 ngày bản án sơ thẩm được tuyên”.
“Ngày nhận thông báo dự phiên tòa phúc thẩm, bản thân tôi rất buồn. Tôi lại nghĩ đến con, thương con da diết. Thực sự, từ đáy lòng mình, tôi muốn kết thúc vụ việc càng nhanh càng tốt", bà Hiền bày tỏ mong muốn.
“Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra một thời gian, người thân của Nguyễn Mạnh Tường có đến liên hệ với con rể tôi là Huy đề nghị làm đơn xin giảm án cho Tường. Tuy nhiên, chồng của Huyền và chúng tôi không đồng ý điều đó.” – Bà Hiền cho biết thêm.
[mecloud]cZ7uGrxEMz[/mecloud]
Tại bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thực hiện phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng cho chị Huyền khi chưa được cấp phép. Khi nạn nhân tử vong, bị cáo cố tình phi tang bằng cách ném xác xuống sông.
Đây được cho là hành động mất nhân tính, làm tổn hại đến uy tín y đức của ngành y tế, gây phẫn nộ dư luận.
Tòa tuyên phạt bị cáo Tường 14 năm về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tội xâm phạm thi thể. Tổng hợp hình phạt là 19 năm.
Liên quan đến vụ án, bảo vệ của Cát Tường là Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tội Xâm phạm thi thể, 9 tháng tội Trộm cắp tài sản. Tổng cộng 33 tháng.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Tường phải bồi thường 585 triệu đồng, trừ đi 200 triệu đã bồi thường. Bị cáo phải cấp dưỡng cho con chị Huyền mỗi cháu một triệu một tháng đến khi đủ 18 tuổi.
Xuân Tùng
[mecloud]KQyBuDkRPj[/mecloud]