+Aa-
    Zalo

    VN phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay Malaysia mất tích

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vào lúc 18h30 ngày 9/3, thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ của máy bay cách đảo Thổ Chu khoảng 80km về phía Nam Tây Nam.

    Vào lúc 18h30 ngày 9/3, thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ của máy bay cách đảo Thổ Chu khoảng 80km về phía Nam Tây Nam.
    Hiện tàu kiểm ngư của Việt Nam đang trên đường tiếp cận vật thể nghi là mảnh vỡ. Dự kiến 22g30 đêm nay sẽ tiếp cận và đưa về.
    Phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay Malaysia mất tích
    Phóng viên Tuổi Trẻ trao đổi với đại tá Trần Văn Quang ngay sau khi chuyến bay tìm kiếm cứu nạn trở về - Ảnh: H.T.Dũng
    Tọa độ phát hiện tại 08, 4732 vĩ Bắc  - 103,2226  độ kinh Đông. Căn cứ tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, sở chỉ huy nhận định có khả năng đó là mảnh vỡ của máy bay và đã phát thông báo tới Malaysia và Singapore.
    Thông tin báo về sở chỉ huy cho biết lực lượng máy bay đã chụp được ảnh vật thể nhưng trời tối nên ảnh mờ. Hiện thủy phi cơ đang trên đường trở về đảo Phú Quốc và sáng sớm 10/3 sẽ trở lại nơi phát hiện vật thể để xác minh rõ hơn.
    Sở chỉ huy cũng đã yêu cầu Vietnam MRCC huy động một  tàu SAR ra vị trí phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay để xác minh rõ hơn.
    Đến tối 9/3, toàn bộ các tàu chuyên dụng của Vùng 5 hải quân và Vùng cảnh sát biển 4 đóng tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang đều trong tình trạng sẵn sàng nhổ neo lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn đối với chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
    Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát - chính ủy Vùng 5 hải quân - cho hay hai tàu hải quân HQ954 và HQ637 vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm trên khu vực nghi máy bay mất tích.
    Trong khi đó, vào lúc 16g30, thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT 777 do chuẩn đô đốc Lê Minh Thành - phó tư lệnh Quân chủng hải quân - trực tiếp chỉ huy đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc trực chỉ vùng biển phía nam đảo Thổ Chu để tham gia công tác tìm kiếm tung tích chiếc máy bay.
    Lúc 19g cùng ngày, đại tá Doãn Bảo Quyết - chính ủy Vùng cảnh sát biển 4 - cho hay hai tàu CSB 2001 và 2003 vẫn tích cực tìm kiếm và chưa có phát hiện nào mới được báo về.
    Đại tá Trương Ngọc Hân - Hải đoàn trưởng Hải đoàn 28, Bộ đội Biên phòng đóng tại Kiên Giang - cho biết cũng đã nhận được thông báo tình hình để sẵn sàng cử lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
    Cũng trong chiều 9/3, phóng viên của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã đến Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân để tìm hiểu thông tin về công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ phía Việt Nam.
    Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát đã thông tin nhanh về tình hình và cho biết Quân chủng hải quân nói chung và Vùng 5 hải quân nói riêng sẽ nỗ lực tối đa phối hợp với các lực lượng trong nước và nước bạn để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
    Theo ông Phát, thông tin từ Vụ báo chí Bộ ngoại giao cho hay trong ngày 10/3 sẽ có một đoàn nhà báo quốc tế đến Phú Quốc để theo dõi và đưa tin về hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Ông Phát cho biết sẽ tạo điều kiện để báo chí trong và ngoài nước tiếp cận thông tin về hoạt động tìm kiếm.
    Dự kiến từ ngày 10/3, Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân sẽ tổ chức họp báo hai lần trong ngày vào lúc 9 giờ sang và 15giờ chiều.
    Trước đó, 15 giờ  chiều 9/3, PV Tuổi Trẻ tiếp tục lên máy bay Antonov 26 mang số hiệu 286 của Lữ đoàn không quân 918 bay ra hiện trường tìm kiếm chiếc bay Malaysia mất tích.
    Vào lúc 16h30, máy bay đến vị trí tìm kiếm, nơi xuất hiện “vùng màu vàng” nghi là dầu loang như trước đó các phi cơ thông tin. Khác với buổi sáng cùng ngày, trong buổi chiểu nay tại vùng biển này đã xuất hiện rất nhiều tàu cứu nạn sơn màu vàng cam của nhiều quốc gia tham gia ứng cứu.
    Nhờ máy bay bay thấp ở độ cao 1.200m nên từ trên máy bay có thể quan sát tương đối rõ nhiều tàu cứu nạn đang dàn hàng ngang 3-5 chiếc để “càn” qua vùng biển nghi vấn, nhằm tìm kiếm các manh mối của chiếc may bay mất tích.
    Trong suốt hành trình bay tìm kiếm trên vùng biển rộng khoảng 14.000 km2  đều có các tàu cứu nạn thực hiện các thao tác tìm kiếm tương tự. Ngoài ra, nhiều tàu cá của Malaysia cũng có tiếp ứng việc tìm kiếm, các tàu này không đi thành hàng mà chia ra nhiều vị trí  để tìm kiếm trong phạm vi hẹp hơn.
    Vùng nước màu vàng nghi vấn là vệt dầu loang chiều nay đã nhạt màu hơn nhưng tỏa rộng ra trên khắp mặt biển. Theo nhận định của các phi công, vùng nước màu vàng này sẽ không tồn tại được lâu dưới tác động của sóng biển.
    17 giờ chiều, máy bay Antonov 26 mang số hiệu 286 đã quay trở về TP.HCM. Trả lời phỏng vấn ngay sau khi đáp xuống khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất, cơ trưởng, thượng tá Hoàng Văn Phong cho biết trong hai ngày qua các đội bay của Việt Nam đã thực hiện việc tìm kiếm trên diện tích khoảng 24.000 km2 trên vịnh Thái Lan.
    Trong ngày 10/3 và những ngày sắp tới, các máy bay tìm kiếm cứu nạn sẽ luôn trong thái sẵn sàng để nhận lệnh xuất phát từ Quân chủng phòng không không quân.
    Lúc 16h15 chiều 9/3, sau gần 4 giờ bay tìm kiếm trên vùng biển Tây, máy bay Mi 117 số hiệu 02 do đại tá Trần Văn Quang - trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 917 (Sư đoàn không quân 370) chỉ huy đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau.
    Khoảng 15 phút sau chiếc máy bay Mi 171 số hiệu 04 cũng hạ cánh xuống sân bay kết thúc chuyến tìm kiếm trong ngày.
    Ngay sau khi máy bay hạ cánh, trả lời báo chí, đại tá Trần Văn Quang cho biết cả hai máy bay của trung đoàn đã tiếp cận tọa độ được xác định có vết dầu loang nghi vấn địa điểm máy bay của Malaysia gặp nạn.
    Cả hai máy bay lần lượt quần đảo và liên tục hạ độ cao xuống rất thấp và phát hiện đây không phải là vết dầu loang mà là khu vực bãi cạn, có nhiều sinh cảnh có màu vàng nên từ trên cao nhìn xuống có màu vàng giống vệt dầu.
    “Do thời tiết hôm nay rất tốt, trời quang mây, tầm nhìn rất rõ. Đội bay đã hạ độ cao chỉ còn 300m và quan sát kỹ và thấy rất rõ nên mới có cơ sở khẳng định như vậy”, đại tá Quang nói. Cũng theo đại tá Quang, ngoài thông tin trên, cả hai đội bay không phát hiện thêm nghi vấn gì. Trả lời câu hỏi đội bay của trung đoàn 917 có nhận được thông tin từ các máy bay cứu nạn phía Singapore và Malaysia về nghi vấn có vật thể lạ cách đảo Thổ Chu khoảng 100 hải lý và đội bay có tiếp cận khu vực này? Đại tá Quang nói, cả hai đội bay của trung đoàn không nhận được thông tin này nên không tiếp cận, chỉ thực hiện tìm kiếm tại tọa độ đã được trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam xác định trước đó.
    “Đội bay của chúng tôi đã nhiều lần tham gia tìm kiếm cứu nạn, nhưng lần này việc tìm kiếm cứu nạn khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi nhận thông tin muộn, việc xác định tọa độ không rõ ràng”, đại tá Quang nói.
    Trả lời câu hỏi về khả năng đội bay của trung đoàn không quân tiếp tục tìm kiếm cứu nạn vào ban đêm, Đại tá Quang cho hay, sau chuyến bay này cả hai đội bay chưa nhận được chỉ đạo bay tiếp theo vào ban đêm, nhưng bay đêm rất khó.
    "Tuy nhiên, toàn bộ hai đội bay của chúng tôi vẫn trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh”, ông cho biết.
    Trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia khẩn chương tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích:
    Theo Báo Tuổi trẻ
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vn-phat-hien-manh-vo-nghi-cua-may-bay-malaysia-mat-tich-a24826.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan