Vĩnh Phúc tập trung khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển liên kết vùng Đời Sống Pháp Luật
+Aa-
Zalo

Vĩnh Phúc tập trung khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển liên kết vùng

  • Minh HuyềnDSPL

(ĐS&PL) - Tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các giải pháp góp phần phát triển vùng.

Nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng theo Nghị quyết số 57 của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển vùng, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng

Đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng     

Xác định rõ thể chế liên kết vùng là phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững, ngay sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện thành phố không đề xuất điều chỉnh, lập mới, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch trái với Hệ thống quy hoạch đã được nêu trong Luật Quy hoạch; dừng thực hiện điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch trái với Luật Quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được lấy ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan Trung ương, các địa phương lân cận, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; lấy ý kiến nhiều lần các sở, ngành, huyện thành phố; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, đồng thời, có sự trao đổi thường xuyên, liên tục giữa cơ quan lập quy hoạch, đơn vị tư vấn với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, sự liên kết giữa các nội dung của quy hoạch, xử lý các mâu thuẫn giữa các nội dung.

Tỉnh Vĩnh Phúc trong định hướng phát triển liên kết vùng Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sau nhiều lần lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân theo quy định, UBND tỉnh đã nhận được khoảng gần 100 văn bản tham gia ý kiến đóng góp của 19 bộ, ngành Trung ương, 13 tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng có liên quan trong và ngoài tỉnh; đồng thời nhận được rất nhiều ý kiến bằng hình thức tham gia góp ý trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo. Trên cơ sở các góp ý, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh tiếp thu, chỉnh sửa, qua đó Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm tính thống nhất, chất lượng. Đến nay, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã công bố, công khai quy hoạch tỉnhthường xuyên, liên tục trên trang thông tin điện tử của các cơ quan đơn vị, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lưu trữ theo quy định làm cơ sở để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch tỉnh theo quy định Luật Quy hoạch.

Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, UBND tỉnh đã điều chỉnh 03 đồ án quy hoạch chung đô thị Tam Hồng, đô thị Đức bác và quy hoạch chung phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo; điều chỉnh 06 đồ án quy hoạch phân khu A3, B1, B2, C1, C4, D2; điều chỉnh 05 đồ án quy hoạch chi tiết Khu nhà ở đô thị VCI, Khu đô thị Nam Phúc Yên, Khu đô thị Việt đức Legend City, Khu nhà ở tại xã Bình Dương, Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường… Trong năm 2024, UBND tỉnh đã điều chỉnh cục bộ 03 quy hoạch phân khu A5, C2, A4 làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh cục bộ 23 đồ án quy hoạch đô thị; đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 - tỷ lệ 1/10000; quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đến năm 2030; quy hoạch chung đô thị Liên Châu, huyện Yên Lạc; quy hoạch chung thành phố Phúc Yên….

Điều chỉnh các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, số tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh gồm 04 tuyến có tổng chiều dài là 159,5Km, trong đó đoạn tuyến Quốc lộ 2 qua địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Quốc lộ 2B đã được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao về tỉnh quản lý. Toàn tỉnh hiện có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài theo quy hoạch là 255,1km, đã đầu tư và đang đầu tư xây dựng 191km, còn khoảng 64km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025; có 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 371,3km, trong đó 205km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng trở lên, còn lại 166km là đường cấp IV. Ngoài ra còn một số tuyến đường trục chính do cấp tỉnh quản lý và đầu tư như đường Trục Bắc - Nam, đường Trục Đông - Tây, đường Trục Mê Linh...

Nỗ lực triển khai các dự án tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng

Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Thái nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ và thành phố Hà Nội. Do đó việc phối hợp, chủ động đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng đặc biệt là các tỉnh tiếp giáp luôn được tỉnh quan tâm thực hiện thông qua các hành lang kết nối trong phát triển kinh tế, văn hoá du lịch.

Để tạo liên kết vùng có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc tỉnh đã tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm như dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc; dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ hoàn thành xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; ký thỏa thuận với tỉnh Tuyên Quang triển khai các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang như Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D,…. Hiện tại tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc nhằm kết nối với tỉnh Thái Nguyên; thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với Thành phố Hà Nội; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, từng bước hoàn thiện tuyến đường Vĩnh Yên - Phú Xuyên theo Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn vay viện trợ để triển khai các dự án có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh. Một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai như Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc, vay vốn ADB; dự án Cầu Đầm Vạc, vay vốn OFID; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc…

Cầu Đầm Vạc - công trình trọng điểm tạo liên kết vùng trên địa bàn tỉnh

Cầu Đầm Vạc - công trình trọng điểm tạo liên kết vùng trên địa bàn tỉnh

Ngoài ra, tỉnh chủ động thực hiện hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Thành phố Hà Nội để thực hiện một số biện pháp kiểm soát, quản lý về giống cây trồng, vật nuôi, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư về sản xuất, chế biến rau, củ, quả, thực phẩm sạch, an toàn. Phối hợp với tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Thành phố Hà Nội trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh theo quy chế phối hợp. Hợp tác về quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản, giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tại 05 Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn tại thành phố Hà Nội. Tổ chức cho một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đi khảo sát, tìm hiểu mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn tại tỉnh Ninh Bình và ký kết chương trình phối hợp về an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Ninh Bình.

Cần cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ thúc đẩy liên kết phát triển vùng

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên kết phát triển vùng, Vĩnh Phúc chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực hiện Kế hoạch quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị". Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao. Để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thông thoáng trong triển khai các nhiệm vụ giải pháp phát triển liên kết vùng, Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi,… tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư công và bố trí vốn cho các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế xã hội. Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung thêm danh mục được áp dụng chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ tại Nghị quyết số 106 của Quốc hội cho phép tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc. Đối với chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, Vĩnh Phúc đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vinh-phuc-tap-trung-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ay-manh-thuc-hien-cac-nhiem-vu-giai-phap-phat-trien-lien-ket-vung-a488934.html
Zalo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin cùng chuyên mục
Nổi bật trong ngày