(ĐSPL) - Sáng 12/11 tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 cho 522 nhà giáo.
Các tân GS, PGS lên nhận Giấy chứng nhận trong Lễ công bố quyết định. |
GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước, cho biết năm nay có 52 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 470 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Trong số 52 GS, có 5 nữ là GS Đỗ Hương Trà (sinh năm 1957) chuyên ngành giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; GS Nguyễn Thái Yên Hương (sinh năm 1962) ngành sử học, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; hai GS ngành y học là GS Hứa Thị Ngọc Hà (sinh năm 1954), ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh và GS Phan Thị Ngà (sinh năm 1960), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
470 PGS được phong trong đợt này công tác trong nhiều lĩnh vực: thủy sản, chăn nuôi, hóa học, cơ khí, công nghệ thông tin, dược học, tự động hóa, giáo dục học…
Tỉ lệ GS, PGS là nhà giáo trẻ ngày càng cao
Theo ông Nhung, có rất nhiều điểm khác biệt trong buổi lễ trao chứng nhận cho các nhà giáo đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2015. Đó là:
Giáo sư trẻ nhất:Giáo sư trẻ nhất năm nay là tiến sỹ Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý, Phó Viện trưởng ITIMS, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, 43 tuổi. Bố mẹ là nông dân người Huế nhưng tiến sỹ Hiếu đã nỗ lực rất nhiều trên con đường học tập, nghiên cứu để giành nhiều thành tích đáng nể. Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó 85 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế ISI.
Kỷ lục trẻ nhất trong 35 năm qua là 3 giáo sư được công nhận khi mới 37 tuổi. Đó là các GS Phan Thanh Sơn Nam (năm 2014, ngành hoá học, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh), GS Nguyễn Quang Diệu (năm 2011, ngành toán học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và GS Hoàng Ngọc Hà (năm 1996, ngành Khoa học Trái đất, trường Đại học Mỏ-Địa chất).
Giáo sư cao tuổi nhất: Đó là tiến sỹ Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí.
Phó giáo sư trẻ nhất:Phó giáo sư trẻ nhất năm nay là tiến sỹ Hồ Khắc Hiếu, ngành vật lý, trường Đại học Duy Tân, 31 tuổi.
Kỷ lục đạt chức danh phó giáo sư trẻ nhất vẫn là ở 29 tuổi, đó là các giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng (năm 2012, ngành hoá học, Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phạm Hoàng Hiệp (năm 2011, ngành toán học, Đại học Sư phạm Hà Nội).
Đặc biệt, năm nay có 5 PGS thuộc dân tộc ít người, có 1 người dân tộc Hà Nhì, 4 người dân tộc Tày.
Quang cảnh buổi lễ công bố và trao Giấy chứng nhận cho 522 tân GS, PGS |
Hai vợ chồng cùng được công nhận chuẩn PGS: TS.Phan Thị Phượng Trang, sinh năm 1977, và TS.Nguyễn Đức Hoàng, sinh năm 1976. Cả hai vợ chồng tân PGS đều là giảng viên ngành Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
Theo GS Nhung, tuổi trung bình của các GS, PGS ngày càng trẻ. Tuổi đời trung bình của các GS, PGS năm 2015 là 48 tuổi, trong đó số nhà giáo ở độ tuổi 40 trở xuống chiếm hơn 1/5, ở độ tuổi 50 trở xuống chiếm 3/5 tổng số GS, PGS được công nhận năm 2015.
Nữ giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam
Sau 35 năm, ngành Toán học có thêm nữ giáo sư: Đợt phong tặng chức danh giáo sư năm nay cũng đánh dấu một điểm đặc biệt của ngành toán học khi lần thứ hai có nữ giáo sư, đó là TS.Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Trước đó, nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam là giáo sư Hoàng Xuân Sính.
GS Lê Thị Thanh Nhàn - Tân nữ Giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam |
GS Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, những gì mình đạt được ngày hôm nay là kết quả của sự say mê và nỗ lực không mệt mỗi trong suốt thời gian dài.
Tân nữ GS tâm sự: “Cuộc sống vốn có nhiều đường đi, tôi không có ý định mang mô hình của chúng tôi ra để “làm mẫu” cho tất cả các bạn trẻ.
Mặc dù ngày càng ít người giỏi chọn sự nghiệp nghiên cứu khoa học, vì đây là con đường chông gai và rất khó để “làm giàu”, nhưng vẫn có những bạn trẻ đang dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, vẫn có những người có công trình xuất sắc, những người đã bỏ lại ưu đãi ở nước ngoài, trở về phục vụ đất nước trong bối cảnh môi trường làm việc còn nhiều vất vả, thiếu thốn.
Mong rằng, chúng ta sẽ có thêm nhiều hội đồng khoa học có chất lượng chuyên môn cao, vô tư và công bằng, có thêm nhiều mô hình hỗ trợ như Quỹ Nafosted, như Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.
Mong sao những chính sách của nhà nước được kịp thời và thỏa đáng để chúng ta có thể phát triển bền vững đội ngũ các nhà nghiên cứu Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước”.
Đánh giá về đợt xét duyệt năm nay, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chất lượng khoa học của các ứng viên đều rất tốt. Số ứng viên có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế tăng so với mọi năm.
Phương Hà
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]UV2sDTuceb[/mecloud]