Lý do được đơn vị này đưa ra là ngày 12/12/2023, Bộ GTVT có Công văn 14209 về việc chấp thuận điều chỉnh giá vé của 44 dự án BOT/48 trạm thu phí. Thế nhưng, dự án xây dựng QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc/trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài không có tên trong danh sách.
Đại diện nhà đầu tư dự án cho biết, tính đến nay đã gần 11 năm dự án không được tăng giá vé. Mặt khác, mức phí tại trạm hiện nay rất thấp (10.000 đồng/lượt/xe 12 chỗ ngồi trở xuống), đây là mức thấp nhất trên cả nước.
Do đó, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thành vốn đầu tư cho dự án và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngay khi hết thời hạn thu phí, Công ty CP BOT Vietracimex8 kiến nghị Bộ GTVT xem xét, bổ sung chấp thuận điều chỉnh giá vé đối với dự án xây dựng QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc/trạm thu phí đường bộ Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được kiến nghị tăng mức phí áp dụng từ ngày 1/4/2023.
Cụ thể, nhà đầu tư dự án đề xuất tăng mức giá vé lượt đối với xe loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) từ mức 10.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 15.000 đồng/vé.
Xe loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) từ mức 15.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 22.000 đồng/vé.
Xe loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) từ mức 22.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 33.000 đồng/vé.
Xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) từ mức 40.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 60.000 đồng/vé.
Xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) từ mức 80.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 120.000 đồng/vé.
Tương tự, mức giá vé tháng và vé quý của các loại xe cũng được nhà đầu tư dự án này đề xuất tăng giá vé từ 1/4/2024. Trong đó, vé tháng đối với xe loại 1 được đề xuất điều chỉnh tăng từ 300.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 450.000 đồng/vé; xe loại 2 từ mức 450.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 660.000 đồng/vé…
Trước đó, theo hợp đồng được ký kết với Bộ GTVT, Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 được đặt trạm BOT Bắc Thăng Long - Hà Nội và thu phí từ đầu năm 2011 để hoàn vốn cho dự án ở Vĩnh Phúc, giá trị hợp đồng đầu tư dự án là 531 tỷ đồng với thời gian thu phí là 16 năm 10 tháng 11 ngày.
Quyết định này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận, bởi lẽ trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài không phải là trạm thu phí dịch vụ hoàn vốn của đường Võ Văn Kiệt, mà là hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Bức xúc đỉnh điểm, ngày 18/12/2019, một số lái xe đã dừng xe tại trạm thu phí đường bộ Bắc Thăng Long - Nội Bài bày tỏ sự phản đối và yêu cầu di chuyển trạm thu phí về tuyến đường tránh thành phố Vĩnh Yên.
Các tài xế cho rằng, việc yêu cầu người dân không sử dụng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên phải nộp tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài tại vị trí này là không đúng.
Điều đáng nói là dù đã xác nhận vị trí đặt trạm ngoài phạm vi dự án và liên tục nhận được đề nghị xóa bỏ trạm từ chính quyền địa phương, nhưng Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.
XEM THÊM: CSGT Hà Nội truy tìm tài xế xe tải tạt đầu, cố tình tông ngã 2 người đi xe máy rồi bỏ chạy
Đến tháng 6/2022, Bộ GTVT đã thống nhất đề xuất cho nhà đầu tư kéo dài thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đến năm 2035, tăng thêm 10 năm với hợp đồng dự án.
Theo Bộ GTVT, do gặp khó khăn trong đó có lưu lượng xe giảm kể từ khi cầu Nhật Tân đi vào hoạt động, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19,… nên doanh thu để nhà đầu tư BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài hoàn vốn dự án gần như không có.
Lý giải về nguyên nhân vì sao không di dời trạm thu phí lên đường tránh Vĩnh Yên như văn bản của chính Bộ GTVT đề cập từ 2013, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư không chịu và muốn tiếp tục thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đến hết hợp đồng.
Nguyễn Lâm