Anh Biên đã khỏe trở lại sau khi ghép tim nhân tạo. |
Anh Hoàng Quốc Biên là một ngư dân sống ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Cách đây 12 năm, anh phát hiện mình khó thở, tức ngực và rất mệt mỏi. Hai vợ chồng gom góp tiền bạc vào bệnh viện T.Ư Huế điều trị nhưng được vài năm bệnh lại tái phát.
GS.TS bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: xuất phát từ thực trạng ngày càng có nhiều bệnh nhân suy tim không thể sống cho đến khi nhận được tạng ghép thích hợp, từ năm 2012, Bệnh viện T.Ư Huế đã tiến hành đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ghép khối tim phổi trên bệnh nhân được cấy thiết bị hỗ trợ thất trái Heartware trong giai đoạn chờ ghép”, áp dụng công nghệ tim nhân tạo bán phần điều trị hỗ trợ tâm thất Heartware nhằm điều trị hỗ trợ cho những bệnh nhân suy tim phổi giai đoạn cuối.
Từ đó, Bệnh viện T.Ư Huế bắt tay vào chuẩn bị để cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái (còn gọi là tim nhân tạo bán phần) cho bệnh nhân chờ ghép tim phổi. Ngày 6/6, sau gần hai năm chuẩn bị, từ việc chọn lựa công nghệ tim nhân tạo tiên tiến, xây dựng quy trình kỹ thuật, huấn luyện thực hành trên mô hình và động vật thí nghiệm, GS Phú và kíp ghép tim của Bệnh viện T.Ư Huế đã thực hiện thành công ca cấy tim nhân tạo bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Biên.
Theo GS Bùi Đức Phú, nguồn kinh phí để thực hiện ca ghép tim nhân tạo bán phần cho các bệnh nhân rất đắt, dao động từ 2,5 đến 3 tỷ đồng. Kỹ thuật ghép tim nhân tạo bán phần là gắn kết một thiết bị thiết bị nhân tạo vào tim người bệnh nhằm hỗ trợ chức năng cho một phần quả tim (tâm thất trái hoặc tâm thất phải) đang bị suy yếu… Nguồn điện cung cấp từ bên ngoài tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm bên trong bơm Heartware, do đó hỗ trợ sức đẩy dòng máu theo nguyên lý chuyển từ năng lượng hoạt động quay tròn sang dạng năng lượng cơ học. Heartware rất hiệu quả trong việc bơm máu lưu chuyển qua các kháng lực trong hệ tuần hoàn của người bệnh. Thế giới đã ghi nhận có bệnh nhân sống được bảy năm bằng quả tim nhân tạo Heartware này với chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Ca phẫu thuật cấy tim nhân tạo bán phần Heartware cho anh Biên tại Bệnh viện T.Ư Huế kéo dài bốn giờ liền với hơn 50 y, bác sĩ ở các khoa, phòng tại bệnh viện cùng tham gia. Trong đó có nhiều kíp, gồm kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp tuần hoàn ngoài cơ thể, kíp vận hành bơm tim nhân tạo Heartware, kíp hồi sức sau mổ.... Ngoài ra, các kíp tim mạch nội khoa, thông tim can thiệp, chẩn đoán hình ảnh và các kíp cận lâm sàng như huyết học, hóa sinh, vi sinh. Do kỹ thuật mới có tính công nghệ hiện đại nên đòi hỏi bác sĩ phải chính xác tuyệt đối trong thao tác phẫu thuật cấy tim nhân tạo vào buồng thất trái để tim đạt được dòng lưu lượng máu tối ưu nhất (co bóp tốt).
Kíp mổ do GS Bùi Đức Phú trực tiếp thực hiện cùng với ê kíp ghép tim tại Trung tâm tim mạch của Bệnh viện T.Ư Huế diễn ra khá thuận lợi, mọi thao tác và kỹ thuật được thực hiện hoàn hảo. Bệnh nhân mau chóng hồi tỉnh, hầu như không dùng thuốc trợ tim, ngoại trừ bắt buộc phải dùng thuốc chống đông máu để duy trì hoạt động hiệu quả và lâu dài của bơm tim nhân tạo. Sau phẫu thuật, lượng máu cung cấp cho tim của bệnh nhân đã tăng từ 2 lít/phút lên 4 lít/phút và quả tim nhân tạo hoạt động rất hiệu quả.
Ê kíp trực được tặng hoa chúc mừng. |
Sau khi cấy tim nhân tạo bán phần thành công, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ bệnh lý tim mạch, đặc biệt tuân thủ liệu pháp kháng đông. Anh Biên tâm sự: “Sau hơn hai tháng điều trị tại phòng vô trùng, tôi được các bác sĩ dịch các thông số theo dõi ra tiếng việt cũng như hướng dẫn kỹ lưỡng cách thức điều chỉnh máy, các cảnh báo khi thiết bị có sự cố, liên lạc với tổ điều phối tư vấn ghép tạng khi có vấn đề và tôi sẽ là người được ưu tiên đầu tiên để ghép tim tại Bệnh viện T.Ư Huế một khi có người chết não hiến tặng”.