Các tàu chiến Việt Nam đều được trang bị vũ khí uy lực của Nga, đủ sức đương đầu với ẩn số YJ-62 của Trung Quốc trên Biển Đông.
|
Hệ thống phòng không Palma trên tàu Gepard 3.9 Việt Nam |
YJ-62 và những thông số “khủng” theo công bố
Tên lửa YJ -62, phiên bản xuất khẩu là C-602, được xem là một đột phá về tên lửa đối hạm của Trung Quốc bởi đây là một sự khởi đầu quan trọng về độ chính xác và tầm bắn. Loại tên lửa này được giới thiệu lần đầu tại triển lãm hàng không Chu Hải 2006.
Thực chất đây là một tên lửa hành trình, được thiết kế lại để dùng cho vai trò tấn công mục tiêu trên biển. Thiết kế cơ bản của tên lửa rõ ràng là một bước tiến của Trung Quốc. Kể từ năm 2005 tên lửa C- 602 đã được tiếp thị trên thị trường xuất khẩu.
|
Biến thể xuất khẩu C-602 của tên lửa YJ-62 |
Tên lửa có thể tích hợp trên tàu chiến, máy bay hoặc các bệ phóng mặt đất. Tên lửa YJ-62 hiện nay đang được đưa vào trang bị cho các tàu khu trục lớp Lan Châu Type 052C của hải quân Trung Quốc, được hạ thuỷ đầu tiên vào năm 2004. Khi triển khai trên biển, hệ thống tên lửa sử dụng các bệ phóng 4 tên lửa được bố trí thành từng cặp.
Khi triển khai trên bờ một đơn vị chiến đấu gồm 4 xe bệ phóng, mỗi xe ba tên lửa, cùng với các xe chỉ huy và bảo đảm khác.
|
Tên lửa YJ-62 được trang bị cho máy bay |
Tên lửa hành trình chống tàu cận âm YJ-62 nặng 1,24 tấn, dài 6,1m, đường kính thân 0,54m. YJ-62 được trang bị đầu đạn bán xuyên giáp nặng 300kg, đầu đạn được trang bị ngòi nổ với 2 cơ chế là tiếp xúc nổ chậm sau khi xuyên qua vỏ tàu hoặc nòi nổ điều khiển từ xa.
Động cơ phóng nhiên liệu rắn trọng lượng khoảng 200kg sẽ phóng tên lửa YJ-62 từ ống phóng hình trụ, sau đó, động cơ hành trình dạng tua bin phản lực (với một cửa hút khí bố trí dưới thân tên lửa) khởi động để duy trì đường bay. Tốc độ tối đa đạt Mach 0,9; tầm bắn tối đa của tên lửa được giới thiệu là 400km, biến thể xuất khẩu tầm bắn 280km (các con số này chưa được kiểm chứng).
|
Tên lửa YJ-62 được phóng từ tàu chiến |
Tên lửa được trang bị radar chủ động với khả năng thay đổi tần số liên tục để giảm khả năng bị phát hiện và kháng nhiễu cao.
Radar có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ tàu khu trục ở cự ly 40km, khoá mục tiêu ở cự ly 30km, quét mục tiêu trong phạm vi ±40 độ.
Với radar này, YJ-62 được cho là có khả năng từ bỏ mục tiêu ban đầu để chuyển sang mục tiêu khác có giá trị hơn tương tự như khả năng của tên lửa Harpoon. Tuy nhiên, khả năng này không thực sự rõ ràng bởi tên lửa thiếu hệ thống liên kết dữ liệu hai chiều.
Tên lửa được thiết kế để bay hành trình ở độ cao 30 m trước khi hạ thấp xuống độ cao tấn công nằm trong khoảng từ 7 m đến 10 m, điều này sẽ gây khó khăn đáng kể cho hệ thống vũ khí đánh chặn của đối phương.
Tên lửa có thể tác chiến trong điều kiện biển động cấp 6 để chống các mục tiêu di chuyển với vận tốc 30 hải lý /giờ, tiết diện phản xạ rađa hiệu dụng 3.000 m2.
Tên lửa có cơ chế dẫn đường kết hợp giữa dẫn hướng quán tính giai đoạn đầu, ở giai đoạn giữa, tên lửa được dẫn hướng thông qua hệ thống định vị GPS cho biến thể xuất khẩu và GLONASS cho biến thể nội địa. Ở pha cuối, tên lửa sử dụng radar chủ động để khoá và tấn công mục tiêu.
Ngoài chức năng chống tàu, YJ-62 được “quảng cáo” có khả năng tiến công các mục tiêu trên đất liền với tầm bắn tương tự, độ cao bay tiếp cận mục tiêu 30m. Ở chế độ này, tốc độ tên lửa giảm xuống còn Mach 0,6, tên lửa có khả năng hoạt động trong môi trường biển động cấp 6.
Tự nghiên cứu hay lại là một sản phẩm copy?
Mặc dù Trung Quốc luôn tự hào đây là một sản phẩm tự nghiên cứu và sản xuất nhưng các chuyên gia quân sự vẫn nghi ngờ đây lại là một sản phẩm copy.
Tên lửa hành trình chống hạm CASIC YJ-62/C-602 được đánh giá có sức mạnh tương đương với các tên lửa chống tàu RGM-109 Tomahawk/MRASM của Hải quân Mỹ.
Ngay sau khi tên lửa YJ-62 xuất hiện, đồn đoán về nghi án sao chép công nghệ bắt đầu lan rộng. Về ngoại hình, YJ-62 rất giống biến thể tấn công tàu mặt nước phóng từ tàu ngầm của tên lửa hành trình RGM-109 Tomahawk/MRASM.
Theo quan điểm thiết kế được phía Trung Quốc giới thiệu, YJ-62 được phát triển với mục đích tấn công các tàu vận tải và tấn công mặt đất. Điều này củng cố nghi nghờ việc Trung Quốc sao chép công nghệ từ tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, dù nước này chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận.
Khả năng rất lớn là YJ-62 được copy từ những tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ từ Pakistan và Afghanistan, sau khi các tên lửa này bắn lỗi trong một đợt tấn công vào Al Qaeda năm 1998. Những kinh nghiệm từ các tên lửa này đã được Trung Quốc ứng dụng vào chương trình phát triển tên lửa YJ-62 của họ.
Không chỉ giống về hình thức bên ngoài, cách dẫn đường, tiến công mục tiêu của YJ-62 cũng tương tự như RGM-109 Tomahawk/MRASM, tất nhiên là ở trình độ thấp hơn nhiều.
Xét về khả năng, YJ-62 không phải là tên lửa chống hạm quá xuất sắc, song mục đích thiết kế của nó là tấn công các tàu vận tải và điều này làm cho tên lửa trở nên nguy hiểm bởi các phương tiện này không có khả năng tự phòng vệ.
|
Ống phóng tên lửa YJ-62 trên tàu Lan Châu 170 |
Trên thực tế, vai trò của tên lửa YJ-62 cũng không thực sự rõ ràng. Đã có nhiều tranh cãi cho rằng YJ-62 là một tên lửa hành trình tấn công mặt đất chứ không phải là một tên lửa chống hạm. Tuy nhiên ngay cả khả năng tấn công mặt đất của YJ-62 chỉ là thứ yếu. Nhiều ý kiến cho rằng YJ-62 chỉ là nền tảng để phát triển một tên lửa hành trình tấn công mặt đất thực thụ.
YJ-62 đã được triển khai hoạt động trên tàu khu trục phòng không Type-052C thay thế cho YJ-82, với vai trò của YJ-62 là một tên lửa thiên về khả năng tấn công mặt đất.
Thua xa Yakhont của Việt Nam, nhưng là một ẩn số ở Biển Đông
Rõ ràng so với tên lửa Yakhont của Việt Nam đang sở hữu thì YJ-62 không có cửa để so sánh. Yakhont với tốc độ cao, lên tới 750 m/s (2,6M, hơn 2.700 km/h), khả năng bay sát mặt biển (cách mặt biển 5-15 m) và công nghệ tàng hình (công nghệ Stealth) nên hầu như không một hệ thống phòng thủ hạm tàu nào có thể ngăn chặn được Yakhont. Phần chiến đấu 200 kg có thể tiêu diệt hầu hết các loại tàu chiến chỉ với một quả đạn.
Tên lửa Yakhont là tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh có tốc độ cao nhất thế giới hiện nay, tầm bắn đến 300 km mà Trung Quốc luôn ước mơ được sở hữu nhưng bị Nga từ chối.
Các chuyên gia quân sự vẫn còn tranh luận về mục đích của YJ-82 là vũ khí đối đất, đối hạm hay chỉ là tiến công tàu vận tải cũng như các tính năng thật sự của nó liệu có "khủng" như công bố hay không.
Trước vấn đề này thì vấn đề phòng chống tên lửa diệt hạm của đối phương là hết sức quan trọng. Các tàu chiến chủ lực của Việt Nam hiện nay gồm các tàu lớp Gepard 3.9, tàu lớp Molniya được trang bị tên lửa diệt hạm hiện đại Kh-35E có tầm bắn 130 km nếu bố trí và cơ động linh hoạt, sáng tạo.
|
Tàu chiến lớp Molniya được trang bị 16 tên lửa đối hạm Kh-35E |
Về tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa diệt hạm. Hiện nay, các tàu chiến Việt Nam đều có khả năng này.
Tàu Gepard 3.9 (tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ) cũng như các tàu Molniya đều là các tàu thiết kế đặc biệt để giảm bộc lộ điện từ và trang bị máy đẩy tuốc bin khí công suất lớn nên có khả năng cơ động rất linh hoạt.
Hệ thống phòng thủ tên lửa diệt hạm trên tàu Gepard bao gồm: Hệ thống phòng không Palma trên tàu Gepard 3.9 Việt Nam bao gồm 2 pháo bắn siêu nhanh AO-18KD 6 nòng x30mm mỗi khẩu, loại pháo này có tốc độ bắn lên đến 6000-10.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả từ 3.000-4.000 m, tạo nên một màn đạn dày đặc đủ sức tiêu diệt bất kỳ loại tên lửa hành trình nào.
Ngoài ra, hệ thống còn được tích hợp 8 tên lửa siêu thanh dẫn bằng laser Sosna-R có thể đánh chặn đồng thời 6 mục tiêu ở cự ly 200-8.000 m và bay ở độ cao tối đa 3.500 m.
Để phát hiện tên lửa đối phương, tàu được trang bị radar mảng pha 3 chiều trinh sát mục tiêu trên không và trên biển Pozitiv-ME1 tầm trinh sát tối đa 150km trong điều kiện biển động cấp 3; có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1000m từ khoảng cách 110km; có thể phát hiện mục tiêu là tên lửa đối hạm có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay ở độ cao 15m từ khoảng cách 15km. Có thể bám cùng lúc 3-5 mục tiêu.
Bên cạnh đó là phương tiện tác chiến điện tử bao gồm: hệ thống MP-407E ECM và hệ thống mồi bẫy PK-10 (4x10 ống phóng) làm vô hiệu hóa hệ thống tự dẫn và đánh lừa quỹ đạo tên lửa đối phương.
|
Hệ thống mồi bẫy PK-10 |
Tàu Molniya cũng được trang bị pháo tự động 76,2mm (AK-176M) được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên mặt nước (kể cả thủy lôi thả nổi trên mặt biển) và mục tiêu trên đất liền. Pháo có tầm bắn 15km, độ cao 11km, đạn dự trữ 152 viên với tốc độ bắn 120-130 phát/phút.
Hai pháo 6 nòng tự động 30mm (AK-630M) có tầm bắn 4-5km, đạn dự trữ 2000 viên và nhịp bắn 4000-5000 phát/phút.
Các khối phóng đạn nhiễu PK-10, khí tài gây nhiễu ngụy trang và nghi binh điện tử MP-407-E để vô hiệu hệ thống tự dẫn chủ động và kiểm soát hành trình của tên lửa chống hạm đối phương.
Tổ hợp khí tài trinh sát điện tử MP-405 cho phép phát hiện, nhận dạng tên lửa hành trình chống hạm.
Như vậy các tàu chiến Việt Nam đều đã được trang bị vũ khí "xịn" của Nga đủ sức đương đầu với ẩn số YJ-62 của Trung Quốc trên Biển Đông.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-co-vu-khi-khac-che-sieu-diet-ham-yj-62-trung-quoc-a45994.html