(ĐSPL) - Một nhà nghiên cứu Biển Đông nói rằng Việt Nam đang chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc liên quan đến việc đưa giàn khoan ra Biển Đông, chứ “không nói suông”.
Chính phủ Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực (PCA) cũng vừa ký hiệp định hợp tác song phương. Với việc ký kết này, Việt Nam cho phép PCA có thể tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế có liên quan đến Việt Nam bằng biện pháp hòa bình.
|
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam ở gần khu vực hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam |
Việc ký kết đã diễn ra hôm 23/6 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Tổng thư ký PCA Hugo Hans Siblesz.
Văn bản mà hai bên ký kết sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực trao đổi thông tin, đào tạo và tư vấn các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế do PCA điều hành, theo trang chủ chính phủ.
Tòa Trọng tài thường trực có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác.
Hiện tại PCA có 115 nước thành viên, trong đó có Trung Quốc.
Trao đổi với BBC, Thạc sĩ luật Hoàng Việt cho biết Việt Nam “có quyết tâm” trong việc sử dụng các biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc.
Ông Hoàng Việt cho biết trong hội thảo quốc tế về Biển Đông vừa diễn ra ở Đà Nẵng, các quan chức Việt Nam đã đặt vấn đề với các chuyên gia về “các bước khởi kiện là gì, căn cứ khởi kiện như thế nào”.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt nói: “Khởi kiện là một vấn đề được cân nhắc rất lâu dài…Từ lúc Trung Quốc bắt đầu thâm nhập và lấn chiếm bãi cạn Scarborough, Philippines cũng đã đe dọa khởi kiện. Ít nhất sau 2-3 lần tuyên bố, đến năm 2013 họ mới chính thức khởi kiện. Đây là vấn đề khó khăn nên cũng phải cân nhắc và có những bước đi rất thận trọng. Tuy nhiên việc này cho thấy quyết tâm của Việt Nam để thế giới có thái độ ủng hộ rõ ràng hơn đối với Việt Nam”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-co-the-khoi-kien-trung-quoc-a38087.html