Đa số người dân lo ngại nhiều người giàu từ hành vi không chính đáng.
Ước tính năm 2013, ở Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu (có tài sản từ 30 triệu USD - khoảng 630 tỷ đồng - trở lên). Con số này tăng đáng kể so với 34 người siêu giàu của năm 2003. Thông tin này được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong báo cáo về Bất bình đẳng ở Việt Nam tại lễ công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vào chiều 8/7.
Lo ngại giàu không chính đáng
Ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho biết cứ khoảng một triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu. So với các nước có mức thu nhập tương tự Việt Nam thì con số này là bình thường.
“Tuy nhiên, hầu hết quan ngại về tăng bất bình đẳng tập trung vào khoảng cách giữa những người rất giàu so với số đông người dân Việt Nam” - ông Gabriel Demombynes nhấn mạnh.
Các chuyên gia Ngân hàng thế giới trả lời báo chí. Ảnh: T.HẰNG |
Cụ thể theo ông Gabriel Demombynes, qua khảo sát của WB với Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận thức về bất bình đẳng trong năm 2013, đại đa số cho biết họ lo lắng nhiều về sự chênh lệch mức sống ở Việt Nam. Trong đó gần 80\% những người dân sống ở thành thị lo lắng nhiều hơn, còn người dân ở nông thôn thì lại ít lo lắng hơn (hơn 50\%).
“Chênh lệch giữa người giàu và người nghèo gây lo lắng nhiều hơn khi đối tượng khảo sát cho rằng chênh lệch được tạo ra bởi các hành vi không chính đáng” - ông Gabriel Demombynes nói.
WB ít thông tin
Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM: “Ai là những người siêu giàu ấy? quan chức hay doanh nghiệp và liệu con số này có mối liên hệ gì với tình trạng tham nhũng hiện nay của Việt Nam hay không?", ông Gabriel Demombynes cho biết trong quá trình phân tích, WB có quá ít nguồn thông tin về nhóm người giàu nhất ở Việt Nam.
Con số được nêu trong báo cáo là số liệu WB tổng hợp từ khảo sát mức sống của hộ gia đình Việt Nam và lấy từ nguồn khác của một công ty tư vấn toàn cầu nên không thể phân tích sâu vào đối tượng cụ thể.
“Còn về mối liên hệ với tham nhũng, phân tích này không phải để xem ai tham nhũng hay không tham nhũng mà để nói về sự bất bình đẳng. Vì vậy con số nói trên không phải mục đích nghiên cứu về tham nhũng” - ông Gabriel Demombynes khẳng định.
Liên quan đến câu hỏi về hiện tượng thời gian gần đây, nhiều quan chức đương chức và nghỉ hưu của Việt Nam lộ ra nhiều khối tài sản kếch xù, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho biết WB không có thông tin chi tiết về tài sản thu nhập của quan chức Việt Nam nên không thể nhận định sự liên đới giữa giàu có và tham nhũng. |