(ĐSPL) - Thủ tục giải quyết ly hôn tại tòa án được quy định cụ thể về quyền của vợ/chồng trong việc yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn và các nội dung khác liên quan.
Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, thương mại, và tranh chấp hôn nhân gia đình là không ngoại lệ. Các bên giải quyết tranh chấp tự nguyện tham gia, tự thỏa thuận các biện pháp giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba trung lập. Hòa giải là hành vi của một bên thứ ba thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa và đi đến những thỏa thuận nhất đinh. Hòa giải bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau và có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp).
Trình tự, thủ tục hòa giải trong ly hôn tại Tòa án |
Theo Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trước khi tiến hành phiên hoà giải, Toà án thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hoà giải, nội dung các vấn đề cần hoà giải.
Thành phần phiên hoà giải gồm có:
Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải;
Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải;
Người phiên dịch, (nếu đương sự không biết tiếng Việt);
Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự.
Trong phiên hòa giải phải có mặt cả hai bên vợ chồng. Nếu vắng mặt một trong hai vợ chồng, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán phổ biến cho các bên biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Việc hoà giải được Thư ký Toà án ghi vào biên bản. Biên bản hoà giải phải có đầy đủ các nội dung: ngày, tháng, năm tiến hành phiên hoà giải; địa điểm tiến hành phiên hoà giải; thành phần tham gia phiên hoà giải; ý kiến của các bên vợ chồng; những nội dung đã được các bên thoả thuận, không thoả thuận. Biên bản hoà giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên có mặt trong phiên hoà giải, chữ ký của Thư ký Toà án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.
Nếu vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]YMXUoLLtDR[/mecloud]