Năm 2018 có lẽ là một năm buồn khi lần lượt những cái tên như Trần Bắc Hà, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh, Đinh La Thăng, Nguyễn Hữu Tín, Phan Văn Anh Vũ... bị pháp luật “sờ gáy”. Tuy cương vị khác nhau nhưng họ đều từng là những cái tên đình đám trong ngành tài chính và trên chính trường. Vì phạm pháp họ đã gặp nhau ở... nhà giam.
Bắt “ông trùm tài chính” Trần Bắc Hà
Ngày 29/11, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp về tội Vi phạm quy định hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ông Hà bị cơ quan điều tra kết luận có những sai phạm khi “bơm” vốn cho 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) trong đại án xảy ra tại ngân hàng TMCP Xây dựng VN. Trước đó, ông Hà từng là cái tên nổi như cồn được gắn với sự phát triển của BIDV. Dưới sự chèo lái của ông Hà, BIDV đã vươn lên trở thành 1 trong 4 ngân hàng mạnh của hệ thống. Vào lúc lẽ ra phải được tận hưởng những ngày hưu trí an nhàn thì ông lại “xộ khám”.
Vĩ thanh buồn sau những vụ án đình đám năm 2018 |
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM “hạ cánh” không an toàn
Ngày 19/11, ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngoài ông Tín, cơ quan cảnh sát điều tra còn khởi tố, bắt tạm giam một số cán bộ khác. Ông Tín và các đồng phạm bị xác định có liên quan đến cuộc điều tra mở rộng của cảnh sát đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") tại vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với sai phạm xảy ra tại dự án số 15 Thi Sách và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM). Ông Tín bị bắt không lâu, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài (nhiệm kỳ 2011-2015) cũng bị khởi tố để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Đại gia Vũ “nhôm” khiến nhiều quan chức “ngã ngựa”
Với tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiều 30/7, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù. Cùng tội danh, ông Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, bộ Công an) bị phạt 7 năm tù và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ bộ Công an (55 tuổi) nhận 6 năm tù. Ngoài vụ án trên, ông Vũ còn bị cáo buộc cùng ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD ngân hàng TMCP Đông Á chiếm đoạt 203 tỷ đồng của ngân hàng này. Sau 11 ngày xét xử đại án xảy ra tại DongAbank, sáng 22/12, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình án chung thân, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm” nhận 17 năm tù vì tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt của cả hai bản án, Vũ “nhôm” phải nhận 25 năm tù giam.
Cuối đời buồn của 2 cựu tướng công an
Vì có liên quan đến sai phạm của Vũ “nhôm” mà ngày 14/12/2018, 2 cựu Thứ trưởng bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành cùng bị khởi tố bị can về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can này bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Trung tướng Trần Việt Tân (nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Công an) sinh năm 1955 tại Thái Bình. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an, ông Tân đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thượng tướng Bùi Văn Thành (SN 1959) quê Ninh Bình, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; thiếu kiểm tra để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục IV. Ông Thành đã vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và quy chế làm việc của bộ Công an. Chính ông đã ký văn bản đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng pháp luật và ký một số văn bản không đúng thẩm quyền.
Ông Đinh La Thăng “bóc lịch” rất dài
Đầu tháng 1/2018, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Đinh La Thăng đã phải nhận mức án 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Theo cáo buộc, dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng ông Thăng vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực kinh nghiệm, tài chính là PVC đã gây thiệt hại cho PVN 119 tỷ đồng. Sau đó không lâu, ông Thăng tiếp tục nhận mức án 18 năm tù, buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng cũng về tội Cố ý làm trái...trong vụ án làm mất 800 tỷ đồng ở Oceanbank. Ông Thăng đã không thực hiện theo đúng yêu cầu của bộ Tài chính, biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng vẫn chỉ đạo góp vốn vào NH này.
Hưởng 14 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh “ẵm” án chung thân
Ngày 24/1, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land). Theo HĐXX, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ PVC) là người quyết định và chỉ đạo việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land cho công ty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án với mục đích chiếm đoạt tiền chênh lệch. Được hưởng 14 tỷ đồng, Thanh phải nhận mức án chung thân.
Gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng, cựu Phó thống đốc NHNN vẫn được hưởng án treo
Áp dụng luật Người cao tuổi, cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng được hưởng án treo. Ngày 10/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án 3 năm tù cho hưởng án treo đối với ông Đặng Thanh Bình (cựu Phó Thống đốc NHNN) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ánh Dương(Tổng hợp)
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết