Vào đêm 23/3, ông Volodymyr Kudrytskiy, người đứng đầu hệ thống truyền tải điện của Ukraine, đã nhấn nút ngắt lưới điện khỏi hệ thống của Nga và Belarus trong một cuộc kiểm tra định kỳ được lên kế hoạch về khả năng hoạt động độc lập của hệ thống điện trong 3 ngày.
Chỉ vài giờ sau đó, Nga đã bắt đầu một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Khi ấy, ông Volodymyr Kudrytskiy nhận định, việc tách hệ thống điện của Ukraine khỏi mạng lưới điện của Nga và Belarus đã trở thành "vĩnh viễn".
Nhờ kết nối khẩn cấp với hệ thống điện của châu Âu - Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống truyền tải châu Âu (ENTSO-E) - trong vòng 3 tuần, Ukraine đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp mất điện hoặc thiếu hụt điện.
Đến thời điểm hiện tại, đã 3 tháng kể từ khi chiến dịch quân sự diễn ra, Kyiv chưa phải kêu gọi sự giúp đỡ về điện từ châu Âu. Ukraine sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ - chủ yếu từ năng lượng hạt nhân, thủy điện và các nguồn tái tạo - và không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Theo các báo cáo, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, nhà máy lớn nhất ở châu Âu, vẫn được vận hành bởi các nhân viên Ukraine dù đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga và đang hoạt động ở "mức tối thiểu". Ukraine đã ký một thỏa thuận với Mỹ để thay thế nhiên liệu hạt nhân mà nước này nhận được từ Nga.
Thách thức lớn nhất với hệ thống điện Ukraine là phải bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của mình khỏi các cuộc pháo kích của Nga và sửa chữa các cơ sở bị hư hỏng.
Sự giúp đỡ từ EU
Ukraine đã giữ cho hệ thống điện của mình tiếp tục hoạt động trong thời kỳ xung đột phần lớn nhờ vào viện trợ từ các đối tác bên ngoài, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU). Các đối tác này đã cung cấp cho Ukraine thiết bị để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng - từ dây cáp và cầu dao đến các tháp truyền tải.
Nhiên liệu và máy phát điện cũng nằm trong số các mặt hàng "ưu tiên hàng đầu" mà Ukraine cần trong các đợt viện trợ.
Theo đó, nỗ lực này đang được xử lý và thực hiện bởi Trung tâm Điều phối Ứng phó Khẩn cấp của EU (ERCC), trực thuộc Tổng cục Bảo vệ Dân sự Châu Âu và Hoạt động Viện trợ Nhân đạo của Ủy ban Châu Âu, một đơn vị có nhiệm vụ điều phối viện trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên như động đất hoặc hỏa hoạn.
Cơ quan này cũng hợp tác chặt chẽ với Ban Thư ký Cộng đồng Năng lượng có trụ sở tại Vienna (Áo), cơ quan này đảm bảo viện trợ từ các doanh nghiệp tư nhân và liên kết những nỗ lực đó với hệ thống hậu cần của ERCC.
Cả hai tổ chức đều nhận được thông tin cập nhật thường xuyên từ Bộ năng lượng Ukraine về các nguồn cung cấp cần thiết để sửa chữa các hệ thống và cơ sở hạ tầng bị hỏng. Theo ông Artur Lorkowski, Giám đốc Thư ký Cộng đồng Năng lượng, Artur Lorkowski, danh sách các thiết bị được yêu cầu thường có khoảng 10.000 mặt hàng. Ông Lorkowski kỳ vọng danh sách tiếp theo sẽ bao gồm các thiết bị cần thiết để sửa chữa các cơ sở điện mà Ukraine sử dụng để cung cấp năng lượng cho việc vận chuyển tàu hỏa vì hệ thống đường sắt cũng là một trong những mục tiêu bị tấn công tại nước này.
Các thiết bị thường được vận chuyển thông qua các trung tâm hậu cần ở Ba Lan, Slovakia và Romania, sau đó gửi qua biên giới tới các kho hàng ở Ukraine.
Theo ông Kudrytskiy, Ukraine này đã khôi phục được hơn 90% các vùng lãnh thổ cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại mà họ đang kiểm soát. Nhưng những vùng lãnh thổ đang trong tầm kiểm soát của Nga, chẳng hạn như vùng Donbas hay các thành phố như Mariupol, ở Đông Nam Ukraine, tình hình lại phức tạp hơn. Tại nhiều nơi, nguồn điện đã bị cắt do giao tranh và các đội ngũ của Ukraine không thể tiếp cận để sửa chữa.
Ông Galushchenko chia sẻ: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng sửa chữa các hệ thống này ngay lập tức, nhưng các kỹ thuật viên của chúng tôi không thể tiếp cận được nhiều nơi. Ngoài ra, đây cũng là một công việc nguy hiểm. Một số kỹ thuật viên của chúng tôi đã thiệt mạng khi sửa chữa điện ở những nơi xảy ra giao tranh. Và đó là một câu hỏi khó với chúng tôi trong thời điểm này".
Tăng cường xuất khẩu điện
Ngoài thiệt hại vật chất đối với cơ sở hạ tầng, hệ thống điện của Ukraine đang đối mặt với sự sụt giảm doanh thu lớn do nhu cầu sử dụng thấp. Nếu mọi thứ không được cải thiện, các công ty điện lực có thể sẽ rơi vào cảnh thiếu vốn để tiếp tục hoạt động.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mức tiêu thụ điện ở Ukraine đã giảm 40% kể từ khi xung đột xảy ra.
Ông Maxim Timchenko, Giám đốc điều hành của DTEK, công ty điện tư nhân lớn nhất Ukraine, cho biết vào tháng 5/2022, thâm hụt trong lĩnh vực năng lượng đang lên tới 250 triệu USD chỉ trong 1 tháng.
Ông nói thêm rằng "giải pháp hợp lý để tránh sự sụp đổ tài chính là xuất khẩu toàn bộ điện sang châu Âu."
Ông Kudrytskiy ước tính rằng Ukraine có khoảng 2 gigawatt (GW) đến 3 GW điện dự phòng nhưng do các vấn đề kỹ thuật nên không phải tất cả lượng điện này đều có thể xuất khẩu được.
Theo Bộ trưởng Galushchenko, việc hoàn thiện đồng bộ lưới điện của Ukraine với EU sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Ông chỉ ra: "Chúng tôi đã có được sự đồng bộ kỹ thuật này, bây giờ chúng tôi đang tìm kiếm sự đồng bộ hóa thương mại, có nghĩa là chúng tôi có thể bắt đầu xuất khẩu điện sang châu Âu. Điều đó có thể sẽ mất một thời gian, nhưng bây giờ chúng ta cũng đang nói về một số trường hợp khẩn cấp".
ENTSO-E cho biết việc đồng bộ hóa hoàn toàn sẽ yêu cầu "một loạt các biện pháp bao gồm cả ở cấp hệ thống điện Ukraine và đánh giá an ninh".
Ukraine khẳng định rằng việc đẩy nhanh tiến trình này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Kyiv mà cả EU trong bối cảnh EU đang tìm cách từ bỏ nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030.
Ông Kudrytskiy nhận xét: "Ukraine mang đến cơ hội tuyệt vời để mua điện đã khử carbon". Đồng thời, ông lưu ý rằng động thái này sẽ giúp Ukraine duy trì sự ngành điện lực.
Minh Hạnh (Theo Politico)