Tối 21/11 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công hiệp đồng, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik, nhằm vào Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash), một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn và nổi tiếng nhất của Ukraine, đặt tại thành phố miền trung Dnipro.
Ông Putin khẳng định Oreshnik là một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga, có thể lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa 10.800 km/h, gấp 10 lần âm thanh.
Phản ứng trước động thái trên, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh thừa nhận tên lửa siêu thanh mới được thử nghiệm thực chiến của Nga gây nguy hiểm cho Ukraine.
“Đây là loại tên lửa có năng lực sát thương mới được sử dụng trên chiến trường. Vì vậy, chúng là mối quan tâm của chúng tôi. Tôi không đánh giá về tác động của nó ngay bây giờ, nhưng đó là điều mà chúng tôi lo ngại. Ukraine từng chống lại vô số cuộc tấn công từ Nga, bao gồm tên lửa có đầu đạn lớn hơn loại vũ khí này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những gì họ cần”, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nhấn mạnh.
Bà Singh lưu ý thêm "bất kỳ loại vũ khí nào được sử dụng trên chiến trường chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa cho Ukraine".
Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài hơn 1.000 ngày qua với những bước leo thang cực kỳ nguy hiểm gần đây.
Trước đó, Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Đòn tập kích trả đũa bằng vũ khí đạn đạo hoàn toàn mới của Nga đã gây chấn động dư luận thế giới, bởi không quân Ukraine ban đầu thông báo đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, loại vũ khí vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược, thường là trong cuộc chiến giữa các siêu cường.
Giới chuyên gia nhận định vụ phóng tên lửa mới này đã truyền tải thông điệp của Tổng thống Putin một cách rõ ràng: Nếu các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí tầm xa để Ukraine tập kích lãnh thổ Nga, xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và Điện Kremlin hoàn toàn có thể ra lệnh tấn công Mỹ hay một thành viên NATO nào đó.
Tổng thống Putin thường xuyên sử dụng những cảnh báo về vũ khí hạt nhân như cách để răn đe phương Tây. Nhưng việc phóng một tên lửa tầm trung như Oreshnik nhằm vào Ukraine đã đẩy căng thẳng leo thang thêm một cấp độ nữa, giới quan sát nhận định.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi cuộc tập kích tên lửa vào Dnipro là "bằng chứng nữa cho thấy Nga không muốn hòa bình", trong khi Điện Kremlin cáo buộc Kiev và phương Tây "cố tình tìm cách kéo dài chiến sự".
Theo nhà lãnh đạo Nga, quyết định phóng tên lửa Oreshnik là để đáp trả những hành động của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Nga. Ông đánh giá vụ tấn công đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên, Tổng thống Putin tuyên bố Nga luôn ủng hộ giải pháp hòa bình và sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề gây tranh cãi.