+Aa-
    Zalo

    Vì sao tường vây metro giảm từ 2m xuống 1,5m?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc điều chỉnh độ dày tường vây tuyến metro số 1 từ 2m xuống còn 1,5m đã tiết kiệm được khoảng 93 tỷ đồng, và thời gian thi công được rút ngắn 5 tháng.

    Việc điều chỉnh độ dày tường vây tuyến metro số 1 từ 2m xuống còn 1,5m đã tiết kiệm được khoảng 93 tỷ đồng, và thời gian thi công được rút ngắn 5 tháng.

    Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) của TP.HCM.

    Kiểm toán Nhà nước đã ghi nhận "mặt làm được" của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (Ban QLĐSĐT) trong việc điều chỉnh độ dày tường vây tại gói thầu CP1a (ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) từ 2m xuống còn 1,5m.

    Cụ thể, việc thay đổi độ dày tường vây từ 2m xuống còn 1,5m đã tiết kiệm được khoảng 93 tỷ đồng. Thời gian thi công liên quan đến thay đổi chiều dày tường vây đoạn đào hở bên dưới đường Lê Lợi rút ngắn 5 tháng.

    Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Ban QLĐSĐT phê duyệt thiết kế kỹ thuật khi chưa có báo cáo thẩm định là không đúng trình tự, thẩm quyền theo quy định. Cụ thể, Ban QLĐSĐT phê duyệt điều chỉnh chiều dày tường vây (đoạn Km 0+398 đến Km 0+615) từ 2m xuống 1,5m khi chưa thẩm định là chưa phù hợp về mặt thủ tục.

    Việc thay đổi chiều dày tường vây từ 2m xuống 1,5m có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian thi công nhưng sẽ dẫn đến chuyển vị đất nền chưa phù hợp với khuyến nghị của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản). Các bên liên quan cần có biện pháp theo dõi và xử lý thích hợp đảm bảo an toàn cho dự án và công trình lân cận.

    Đoạn hầm metro đã hoàn tất phía Ba Son. Ảnh: VnExpress

    Trao đổi với Pv báo Tuổi Trẻ, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, toàn bộ tường vây đoạn ngầm của tuyến metro số 1 có độ dày tối đa 1,5m, ngay cả khu gần các công trình xây dựng lớn như nhà hát TP, khách sạn REX. Tuy nhiên chỉ riêng đoạn tường vây dài 170m từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại có độ dày 2m, dù không nằm gần các công trình lân cận.

    Qua rà soát, Ban QLĐSĐT nhận thấy độ dày tường vây 2m là không cần thiết nên đã đề xuất tư vấn tính toán lại. Kết quả tính toán lại của tư vấn thì độ dày của đoạn tường vây trên giảm còn 1,5m, số lượng thanh thép chống đỡ tường vây cũng giảm đi nhưng chiều cao của các thanh thép cũng như mác thép cũng được tăng lên nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của toàn bộ tường vây.

    Theo ông Quang, tất cả thẩm định thay đổi thiết kế của dự án tuyến metro số 1 phải trình cho Sở Giao thông Vận tải TP phê duyệt. Tuy nhiên, năm 2015, UBND TP có ủy quyền cho Ban QLĐSĐT được quyền tổ chức thẩm định. Vì vậy, kể từ giai đoạn trên Ban QLĐSĐT "hiểu được quyền thẩm định các thay đổi thiết kế kỹ thuật như trên".

    Mới đây, Sở Giao thông vận tải có báo cáo cho UBND TP về vấn đề này. Trên cơ sở đó, UBND TP chỉ đạo đối với những "hồ sơ, hạng mục nào đã được Ban QLĐSĐT thẩm định, điều chỉnh" phải chuyển lại cho Sở Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp một lần để báo cáo lại cho UBND TP.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-tuong-vay-metro-giam-tu-2m-xuong-15m-a256635.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan