Tây Ban Nha cho biết sẵn sàng cho TP.HCM vay 275 triệu Euro để triển khai dự án tuyến Metro số 5.
Ông José Luis Káiser Moreiras - Vụ trưởng Vụ thương mại Quốc tế và Đầu tư, Bộ Kinh tế - Công nghiệp và Cạnh tranh Tây Ban Nha cho biết rất quan tâm đến dự án tuyến Metro số 5 tại TP.HCM và mong muốn để dự án sớm được triển khai một cách hiệu quả. Đồng thời khẳng định, Tây Ban Nha có thể tìm cách tăng nguồn vốn vay cho dự án Metro số 5 tại TP.HCM nếu dự án bị tăng vốn khi triển khai.
Được biết, trước đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, khoản vay của Dự án metro số 5 có tác động đến nợ công khoảng 0,08% vào năm 2020. Tính trong tổng thể cả 48 dự án đã đề xuất và được Bộ Tài chính đánh giá tác động nợ công từ đầu năm 2017 đến nay, mức dự kiến tác động lên nợ công của các dự án này là 0,47% vào năm 2018 và 1,218% năm 2020.
Tây Ban Nha cho TP.HCM vay 275 triệu Euro để triển khai dự án tuyến Metro số 5. Ảnh: Báo Đấu Thầu |
Như vậy, trường họp các dự án đề xuất nêu trên đều được phê duyệt và thực hiện, giải ngân từ năm 2018 (bao gồm cả dự án tuyến metro số 5, giai đoạn I TP.HCM) thì sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công tính trên GDP được Quốc hội phê duyệt (vượt mức 65% vào năm 2019).
Để tăng tính khả thi của nghiên cứu đề xuất Dự án, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM bổ sung tính toán suất đầu tư của tuyến metro số 5 và căn cứ tính toán, so sánh với các dự án do Thành phố đang thực hiện (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương) và các dự án đường sắt đô thị có điều kiện tương tự trong khu vực và trên thế giới.
Được biết, đây cũng là một trong những ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Đề cương Dự án “Xây dựng Tuyến metro số 5 - giai đoạn I” do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư hồi đầu năm 2016. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, suất đầu tư sơ bộ của Dự án sau khi điều chỉnh là 4.650 tỷ đồng/km (tương đương 214,82 triệu USD/km) là khá cao so với các dự án tương tự.
Vũ Đậu (T/h)