Tăng vốn, chậm giải ngân, thiếu tiền nhà thầu... là lý do khiến các dự án metro đội vốn cũng như đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 2,49 tỷ USD (tương đương 47.325 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Nhật Bản). Tuyến metro này sẽ đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Theo thông tin từ báo Dân trí, ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM – cho biết đoạn trên cao của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (từ ga Ba Son đến Depot Long Bình) đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc.
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được thi công. Ảnh: TTXVN. |
Ông Quang cho biết, đoạn ray trên cao dự kiến sẽ được lắp ráp trong tháng 10 chứ không chờ đợi xong hết mới làm.
Dù vậy, các thiết bị lắp ráp này vẫn đang bị tắc ở cảng do Bộ Tài chính cần có thời gian xem xét việc miễn thuế cho hàng hóa, thiết bị nhập khẩu để thi công tuyến metro như đã thông báo trước đó.
“UBND TP đã chủ động làm việc Hải quan TP cũng như báo cáo Tổng cục Hải quan sớm tháo gỡ vướng mắc này để kịp thời thi công cho đúng tiến độ”, ông Quang thông tin.
Chia sẻ với VOV, Giám đốc dự án tuyến metro số 1 Ông Dương Hữu Hòa cho biết 8.000 tà vẹt chống rung gắn trên đường ray thì đang được chế tạo tại nhà máy ở Bến Lức (Long An).
Đoạn từ ga Phước Long đến Thủ Đức sẽ được lắp ray hoàn chỉnh. Sau đó mới tiến hành lắp đoạn từ Thủ Đức đến Depot Long Bình.
Tháng 10/2018, đoàn tàu đầu tiên sẽ được đưa về Việt Nam. Máy khoan ngầm đã khoan được khoảng 455m, dự kiến hầm phía Đông sẽ được hoàn thành vào ngày 15/10.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết dù nhu cầu vốn trong năm 2017 là 5.400 tỷ đồng nhưng chỉ được giao 2.100 tỷ đồng (đáp ứng 36%) và đã giải ngân 99%, TTXVN đăng tải.
Ngày 25/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tạm ứng 500 tỷ đồng ngân sách để trả nợ nhà thầu thi công tuyến metro số 1 và Ban đã chi cho nhà thầu gần 300 tỷ đồng, 200 tỷ đồng còn lại sẽ được giải quyết trong tuần này. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ giải quyết vấn đề trước mắt và nguy cơ giãn tiến độ của metro là có thật khi mỗi tháng, số tiền ước lượng phải trả cho nhà thầu là từ 500 – 600 tỷ đồng.
[presscloud]235[/presscloud]
(Tổng hợp)