Vì sao Trung Quốc lại hành xử hung hăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông? Trung Quốc hy vọng sẽ kiếm được cái gì với việc xa lánh các nước láng giềng và làm xói mòn ổn định tại khu vực?
|
Trung Quốc được gì khi hành xử hung hăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông? |
Trong một bài viết được đăng trên tạp chí The Interpreter, giáo sư Huge White - chuyên ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia - nhận định:
Câu trả lời là Trung Quốc đang cố gắng xây dựng cái mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Để hiểu được tại sao đây lại là mục tiêu cho các hành động của Bắc Kinh, chúng ta cần phải hiểu được rằng theo “mô hình quan hệ” kiểu mới, ông Tập muốn Trung Quốc có được nhiều quyền lực và tầm ảnh hưởng tại Châu Á hơn so với những gì mà họ đã có trong vài thế kỷ trở lại đây. Đây rõ ràng là cuộc chơi “một mất, một còn” giữa Trung Quốc và Mỹ. Đó là những gì mà ông Tập và các quan chức Trung Quốc đang cố gắng đạt được.
Lý luận của các quan chức Trung Quốc tương đối đơn giản. Họ biết rằng vị trí của Mỹ tại Châu Á được xây dựng dựa trên hệ thống mạng lưới liên minh và đối tác với một loạt các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Họ cho rằng việc làm suy yếu những mối quan hệ này sẽ là cách đơn giản nhất để khiến sức mạnh của Mỹ tại khu vực đi xuống. Và họ cũng biết rằng, đằng sau những “phát ngôn ngoại giao có cánh”, nền tảng của những sợi dây liên minh và đối tác này là niềm tin của những người bạn Châu Á rằng Mỹ có thể và sẵn sàng bảo vệ họ trước sức mạnh Trung Quốc.
Vậy cách dễ nhất để Bắc Kinh làm suy yếu quyền lực của Washington tại Châu Á đó là làm xói mòn niềm tin của các quốc gia trong khu vực. Và cách đơn giản nhất để làm điều này đó là Bắc Kinh sẽ gây khó dễ cho các đối tác và đồng minh của Mỹ tại khu vực trong những vấn đề mà lợi ích của Mỹ không ngay lập tức bị ảnh hưởng – ví dụ như vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà trong đó Mỹ không có lợi ích trực tiếp.
Bằng việc sử dụng áp lực vũ trang một cách trực tiếp trong những tranh chấp này, Trung Quốc buộc các nước láng giềng phải trông cậy vào sự trợ giúp quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, ngược lại, đây cũng là cách để khiến Mỹ cũng không thật sự sẵn sàng trợ giúp cho những người bạn của mình bởi trong trường hợp này, hoàn toàn có khả năng xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, bằng việc sử dụng lực lượng quân sự đối đầu với những người bạn của Mỹ, Trung Quốc buộc Mỹ phải lựa chọn giữa việc bỏ rơi bạn bè và đối đầu với Trung Quốc. Bắc Kinh đánh cược rằng, khi phải đối mặt với sự lựa chọn này, Mỹ sẽ lùi bước và rời bỏ các đồng minh và bạn bè. Điều này sẽ làm suy yếu các đồng minh và đối tác của Mỹ, xói mòn sức mạnh của Mỹ ở Châu Á và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.
Quan điểm này giúp lý giải cho những hành động gần đây của Trung Quốc.
Kể từ khi Tổng thống Obama tuyên bố chiến lược “xoay trục”, Trung Quốc đã có những động thái gây hấn tại Bãi cạn Scarborough và Đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm kiểm chứng xem liệu Mỹ có sẵn sàng trợ giúp các đồng minh của mình không. Cho đến tận trước chuyến công du tới Châu Á tháng trước, Tổng thống Obama tỏ ra khá hờ hững trước cam kết mà Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, những phát ngôn đanh thép của ông tại Tokyo và Manila cho thấy Mỹ đã quay trở lại với lập trường cứng rắn trước đây.
Hiện tại, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ kiểm chứng quyết tâm “mới đượckhôi phục” của Mỹ bằng việc gây áp lực tại Biển Đông, Biển Hoa Đông hoặc các khu vực khác. Điều đó đang diễn ra tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Đó là một lời thách thức dành cho ông Obama. Hãy chờ xem những gì mà Bắc Kinh sẽ làm với Manila và Tokyo trong thời gian tới.
Dĩ nhiên, cách làm này cũng có những rủi ro cho phía Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn đối đầu với Mỹ, do đó họ phải tin vào giả định rằng Mỹ - thay vì sa vào xung đột với Trung Quốc - sẽ chấp nhận nhượng bộ và bỏ mặc những người bạn của mình, ngay cả khi việc nhượng bộ sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ tại Châu Á.
Có hai lý do được các nhà lãnh đạo Trung Quốc vin vào để đưa ra giả định này.
Thứ nhất, họ cho rằng năng lực chống tiếp cận/phong tỏa của Trung Quốc không cho phép Mỹ giành chiến thắng một cách dễ dàng và nhanh chóng trong trường hợp xảy ra đụng độ trên biển tại khu vực Đông Á. Họ tin vào chính học thuyết không/hải chiến của người Mỹ, trong đó nói rằng Mỹ không thể chiếm ưu thế tại những vùng biển này nếu không tiến hành một loạt các đợt tấn công vũ bão vào lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, những đợt tấn công này rõ ràng sẽ gây ra nguy cơ leo thang nghiêm trọng có khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng trong tính toán của Mỹ, cuộc chiến với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là một cuộc chiến mà Mỹ không dám chắc sẽ giành thắng lợi cũng như không thể nào lường trước được những hậu quả mà nó có thể gây ra.
Thứ hai, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc mới là bên thật sự muốn giành lấy quyền lực tại Châu Á. Washington đương nhiên là muốn duy trì vai trò của Mỹ ở Châu Á, nhưng Bắc Kinh thậm chí còn quyết tâm hơn trong việc giành lấy quyền lực từ tay Mỹ. Các hành vi của Trung Quốc cho thấy các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng Washington nhận thấy được sự không tương xứng trong quyết tâm của hai quốc gia. Đó là lý do người Trung Quốc tin rằng trong suy nghĩ của Mỹ, Trung Quốc sẽ không bao giờ là bên đầu tiên nhượng bộ khi có xung đột nổ ra.
Việc Trung Quốc suy nghĩ theo chiều hướng như vậy có vẻ là điều gây khá nhiều ngạc nhiên cho các quốc gia khác, trong đó có Mỹ. Chính sách của Mỹ với Trung Quốc, trong đó có chiến lược “xoay trục”, được xây dựng trên giả định ngược lại so với suy nghĩ của Trung Quốc. Mỹ cho rằng Bắc Kinh không thật sự quyết liệt trong việc thách thức sự lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á bởi đơn giản nước này không sẵn sàng đón nhận một cuộc đối đầu với Mỹ, cuộc đối đầu mà theo tính toán của Bắc Kinh, họ sẽ nắm chắc phần thua, và do đó họ không muốn chấp nhận rủi ro này để đánh đổi lấy việc mở rộng vị thế của Trung Quốc tại Châu Á.
Nếu điều đó là đúng, thì hành vi của Trung Quốc rõ ràng là thiếu tính toán. Tuy nhiên, trước khi giả định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc là khờ khạo, chúng ta nên tỉnh táo suy nghĩ xem liệu Trung Quốc có thực sự quan tâm đến những gì mà Washington đang nghĩ về họ hay không. Giáo sư Huge White dám chắc rằng Trung Quốc chẳng hề để tâm đến điều này.
Do đó, sự ngộ nhận của hai bên có nguy cơ dẫn đến những thảm họa thật sự cho Châu Á. Các hành vi khiêu khích ngày càng trắng trợn của Trung Quốc đối với những người bạn, đồng minh của Mỹ và các cam kết ngày càng rõ ràng hơn của Mỹ đối với những đối tác của mình cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều đang đẩy mạnh can dự vào khu vực. Cả hai đều cho rằng mình có thể làm như vậy mà không bị các tác động tiêu cực bởi họ tính toán rằng, bên còn lại sẽ nhượng bộ để tránh một cuộc đụng độ. Tuy nhiên, điều đáng buồn cả hai bên có thể đang có những suy nghĩ sai lầm.
Đã đến lúc cần phải thay đổi bản chất của cuộc chơi để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-trung-quoc-hung-hang-o-bien-dong-a36293.html