(ĐSPL) – Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã gửi một bức thư tay cá nhân cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến đi của Giám đốc Tình báo quốc gia đến Bình Nhưỡng.
Theo tin tức từ hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi một bức thư tay cá nhân cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thông qua Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, thúc đẩy việc Bình Nhưỡng trả tự do cho 2 công dân Mỹ.
|
Giám đốc tình báo Mỹ James Clapper được cho là đã chuyển bức thư tay của ông Obama đến Triều Tiên. |
Lá thư riêng "ngắn gọn" của ông chủ Nhà Trắng được đặc phái viên chuyển cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuy nhiên Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã không gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên mà gửi qua các quan chức Triều Tiên.
Ngày 9/11, 2 công dân Mỹ cuối cùng bị Triều Tiên giam giữ và kết án tù khổ sai đã được trả tự do, trở về Washington an toàn. Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Bình Nhưỡng đã yêu cầu một quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Bắc Triều Tiên trước khi họ đáp ứng yêu cầu của Washington về việc thả 2 công dân này.
Trong cuộc hội đàm với phía Triều Tiên, ông James Clapper khẳng định lại lập trường của Mỹ rằng Bắc Triều Tiên phải thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa trước khi nối lại các hoạt động đàm phán.
Theo CNN, chuyến thăm của ông James Clapper đến Bình Nhưỡng đã diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên "bất ngờ" liên lạc với các nhà chức trách Mỹ và yêu cầu gửi một người bất kỳ trong chính phủ đến để thảo luận về việc trả tự do cho 2 công dân Mỹ, Kenneth Bay và Matthew Todd Miller.
Ông James Clapper đã được chọn làm đặc sứ của Tổng thống Obama vì ông là một quan chức an ninh quốc gia, không phải là một nhà ngoại giao.
Có nhiều lý do cho quyết định của Triều Tiên
|
Hai công dân Mỹ lên máy bay rời Triều Tiên trở về Washington. |
Sự việc xảy ra chỉ hai tuần sau khi một người Mỹ khác cũng vừa được Triều Tiên trả tự do. Tại sao Bình Nhưỡng có thái độ hòa dịu bất thường?. Phải chăng hành động trả tự do lần này là tín hiệu Triều Tiên mong muốn nối lại đàm phán với Mỹ?
Một số nhà phân tích diễn giải thái độ khoan dung bất ngờ này của nhà lãnh đạo Kim-Jong-un dường như là một sự mong muốn cải thiện hình ảnh của Bình Nhưỡng trên trường quốc tế. Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên ở San Francisco, Paul Carroll nhận định: “Triều Tiên trả tự do cho 2 công dân Mỹ mà không có bất cứ lời đề nghị nào. ”. Có thể đây là bước đi mới của Bình Nhưỡng trong việc tìm cách thăm dò các con đường khác để nối lại đối thoại với Mỹ”.
Theo giới phân tích, Mỹ rất thận trọng, tính toán kỹ trước khi có bất kỳ một nhượng bộ nào đối với các đòi hỏi của Triều Tiên.
John Delury, chuyên gia về Triều Tiên, thuộc đại học Yonsei, Seoul, nhận định, việc thả các công dân Mỹ là “một tín hiệu tích cực, nhưng việc nối lại đối thoại trực tiếp thì vẫn còn một khoảng cách”.
Chuyên gia Peter Beck, thuộc Viện New Paradigm, Seoul, nhấn mạnh: “Việc trả tự do này không làm thay đổi các vấn đề cơ bản. Chưa rõ liệu Washington đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-trieu-tien-tra-tu-do-cho-hai-cong-dan-my-a68352.html