+Aa-
    Zalo

    Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển đã vấp phải sự phản đối đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có lập trường cứng rắn với sự mở rộng của liên minh ở Bắc Âu.

    Ngày 16/5 (giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng tuyên bố phái đoàn ngoại giao Phần Lan và Thuỵ Điển "không nên bận tâm" tới việc đến Ankara đàm phán. Động thái này của ông Erdogan đưa ra sau khi Stockholm thông báo kế hoạch cử quan chức tới Ankara để cố gắng thuyết phục nước này thay đổi quan điểm về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển. 

    Được biết, toàn bộ 30 quốc gia NATO cần phải đạt được sự đồng thuận nếu muốn kết nạp thêm thành viên là một quốc gia trung lập vào khối. Gần đây, ngày 15/5, Phần Lan và Thuỵ Điển đã lần lượt tuyên bố quyết định sẽ nộp đơn xin gia nhập khối. Trong khi phần lớn các nước NATO đã bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái của Phần Lan và Thuỵ Điển, Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra tín hiệu trái ngược. 

    Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối?

    Từ khi Phần Lan và Thuỵ Điển cân nhắc dự định gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ thái độ phản đối và cáo buộc 2 quốc gia Bắc Âu này hỗ trợ "khủng bố".

    Cụ thể, trong phát biểu của mình, ông Erdogan đã đề cập tới Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), mà Ankara đã chỉ định là một "nhóm khủng bố", cùng các nhóm người Kurd vũ trang khác đang hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và ngoại vi và nhận định: "Cả hai quốc gia này đều không có thái độ rõ ràng và cởi mở đối với các tổ chức khủng bố. Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng họ được?"

    screen shot 2022 05 18 at 110018
    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự phản đối với tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển. 

    Cùng ngày, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã chỉ trích Phần Lan và Thụy Điển vì không dẫn độ các nghi phạm bị truy nã ở Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara đã đưa ra đề nghị này. Được biết, các cá nhân bị truy nã bị nghi có liên hệ với PKK hoặc phong trào Gulen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính năm 2016 khiến hàng trăm người thiệt mạng.

    Đáp lại, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói rằng mặc dù ông rất ngạc nhiên về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông không muốn "mặc cả" với Ankara.

    Ngoài ra, ông Erdogan cũng đề cập tới Stockholm trong các phát biểu về các lệnh trừng phạt vũ khí chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, Thụy Điển đã đóng băng việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2019 vì hoạt động quân sự của Ankara ở nước láng giềng Syria.

    Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy đã thực hiện một số hoạt động xuyên biên giới ở Syria kể từ năm 2016, nhằm vào Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (IS) và các chiến binh người Kurd bị Ankara coi là "khủng bố". Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria. 

    Ông Mensur Akgun, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kultur của Istanbul, nhận xét Ankara có vẻ cũng đang tìm cách sử dụng tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan làm đòn bẩy để giải quyết các vấn đề cấp bách giữa họ với Mỹ, một người ủng hộ việc kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu vào khối.

    Cụ thể, ông Akgun cho biết: "Ankara đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với máy bay chiến đấu F-35 và không hài lòng về điều đó".

    Được biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga là một trong những vấn đề quan trọng khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trở nên căng thẳng trong những năm gần đây. Vào tháng 7/2019, Mỹ đã loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 chủ chốt của mình vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận những chiếc máy bay S-400 đầu tiên của Nga.

    Mỹ và các đồng minh NATO cho rằng việc một thành viên NATO sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga là nguy hiểm đối với các hệ thống phòng thủ của NATO. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ quyết định mua hệ thống tên lửa này sau khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trì hoãn việc bán Hệ thống phòng không Patriot, được các nước thành viên NATO sử dụng rộng rãi, cho Ankara.

    Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cũng lên án sự ủng hộ của Washington đối với các lực lượng người Kurd có vũ trang ở Syria. Cụ thể, dù Mỹ công nhận PKK là một tổ chức "khủng bố" nhưng lại hỗ trợ về mặt quân sự và chính trị cho Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd (YPG), một chi nhánh của Syria trước đây, đặc biệt là trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến chống IS vào những năm 2010.

    Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn chặn sự mở rộng này?

    Những bế tắc ngoại giao về sự mở rộng của NATO đã từng xảy ra trước đây. Gần đây nhất, Hy Lạp đã phản đối Macedonia gia nhập khối trong nhiều năm vì họ cho rằng tên nước này là một nỗ lực đánh cắp di sản của Hy Lạp.

    Vào năm 2019, Hy Lạp và Macedonia đã ký một hiệp định, quy định Macedonia đổi tên thành Bắc Macedonia. Đổi lại, Athens sẽ đảo ngược quyết định phản đối Skopje gia nhập NATO.

    Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, về lý thuyết, nước này có mọi quyền để ngăn chặn việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Theo Điều 10 của hiệp ước thành lập, hai quốc gia Bắc Âu này phải thuyết phục được tất cả 30 thành viên của tổ chức về giá trị của đơn gia nhập. 

    Nhà địa chính trị học Olivier Kempf nhận xét: "Liên minh hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Do đó, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Chúng tôi đã chứng kiến điều này với Hy Lạp, quốc gia phản đối việc Bắc Macedonia gia nhập trong nhiều năm". 

    Nói thêm về sự phản đối của Ankara, ông Olivier Kempf cho rằng: "Sẽ có nhiều áp lực chính trị đối với Thổ Nhĩ Kỳ đến mức nước này sẽ không thể ngăn cản sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển". 

    Mặc dù tấm thảm đỏ dường như đã được trải cho Thụy Điển và Phần Lan, hai nền dân chủ vững chắc gần gũi với NATO thông qua chương trình Đối tác vì Hòa bình, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gây ra sự bối rối trong liên minh quốc phòng. Dù vậy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ niềm tin rằng NATO "sẽ có thể tìm được điểm chung, sự đồng thuận về các vấn đề thành viên".

    Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử từng ủng hộ việc mở rộng liên minh NATO. Theo đó, giáo sư Akgun cũng tin tưởng vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách thành viên của Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ được giải quyết bằng một thoả hiệp trong tương lai. 

    Ông Akgun nhận xét: "Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không đạt được những gì họ mong muốn nhưng các đồng minh NATO sẽ đưa ra một thoả hiệp gì đó khiến họ hài lòng. Ankara sẽ tham gia đàm phán như cách các thành viên khác làm miễn là họ đạt được lợi ích quốc gia. Từ trước đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ là một nước đi ngược lại với sự đồng thuận của NATO và họ cũng không mong muốn làm việc này. Tuy nhiên, thái độ ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải vô điều kiện".

    Minh Hạnh (Theo Al Jazeera, AFP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-tho-nhi-ky-phan-doi-viec-phan-lan-va-thuy-dien-gia-nhap-nato-a537989.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan