Ngày 16/5 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải một mối đe doạ ngay lập tức đối với Moscow nhưng Nga chắc chắn sẽ đáp trả động thái mở rộng triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ở Điện Kremlin, Tổng thống Putin nói rằng việc NATO mở rộng hơn nữa "là một vấn đề được tạo ra một cách giả tạo, đang được thực hiện vì lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ". Ông nhận định khối quân sự được sử dụng như một công cụ chính sách đối ngoại của một quốc gia là Mỹ và "khá bền bỉ, khéo léo và rất quyết liệt".
Dù vậy, ông chủ Điện Kremlin khẳng định việc Phần Lan và Thuỵ Điển từ bỏ tình trạng trung lập để gia nhập NATO không khiến ông cảm thấy lo lắng. Ông khẳng định: "Nga không có vấn đề gì với những quốc gia này. Sự mở rộng của NATO với sự gia nhập của 2 nước này không phải một mối đe doạ ngay lập tức đối với Nga. Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ này chắc chắn sẽ gặp phải sự đáp trả của chúng tôi".
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẽ có các biện pháp đáp trả cụ thể dựa theo các hành động của NATO.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra sau khi Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố khi gia nhập NATO, nước này sẽ "chống lại việc triển khai vũ khí hạt nhân và các căn cứ thường trực trên lãnh thổ Thụy Điển".
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố rằng bằng cách nộp đơn xin gia nhập liên minh, Helsinki và Stockholm đã chọn "từ bỏ lý tưởng chung". Trong đó, ông Ryabkov cũng đưa ra cảnh báo với 2 quốc gia Bắc Âu: "Họ không nên ảo tưởng rằng chúng tôi sẽ nhượng bộ việc này".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người gần đây đã gọi việc mở rộng NATO là "một thành công lịch sử", hồi tháng trước từng khẳng định khối này sẽ nhiệt liệt chào đón Phần Lan và Thụy Điển nếu họ xin gia nhập và sẽ đưa ra quyết định về tư cách thành viên một cách nhanh chóng.
Được biết, trong ngày 15/5, chính phủ Phần Lan đã chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Sau Phần Lan, Thuỵ Điển cũng đưa ra những tín hiệu tương tự. Cả Phần Lan và Thuỵ Điển đều là những quốc gia giữ thái độ trung lập và không liên kết với tổ chức quân sự phương Tây trong nhiều thập kỷ vì không muốn chọc giận Nga. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến 2 quốc gia này thay đổi quan điểm và quyết định gia nhập NATO.
Sau khi Thuỵ Điển và Phần Lan tuyên bố gia nhập NATO, sự chú ý của dư luận cũng đã dồn vào những quốc gia châu Âu khác còn duy trì tình trạng trung lập bao gồm Thuỵ Sĩ, Áo, Cyprus, Malta và Ireland. Tuy nhiên, mới đây, chính phủ Áo cho biết nước này không có kế hoạch gia nhập NATO. Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg ngày 16/5 nhấn mạnh Áo không phải là thành viên NATO và không có kế hoạch trở thành thành viên của liên minh này trong tương lai gần.
Minh Hạnh (Theo RT)