Kể từ giữa thế kỷ 20, Nga và Phần Lan đã giữ mối quan hệ thân thiện với nhau. Một phần mối quan hệ này được củng cố bởi nhiều thập kỷ duy trì tình trạng trung lập và không liên kết quân sự với các liên minh phương Tây của Phần Lan. Tuy nhiên, kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Phần Lan đã thay đổi quan điểm của họ và mới đây đã đi đến quyết định sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.
Được biết, Phần Lan vốn không cần phải thực hiện các cải cách vì nước này đã đạt được những tiêu chí của NATO. Đặc biệt, Phần Lan cũng là một nước có sức mạnh quân sự của riêng mình, điều này sẽ phần nào đóng góp vào sức mạnh chung của toàn khối.
Quân đội Phần Lan
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Phần Lan đặc biệt ở chỗ đây là một trong số ít quốc gia châu Âu không tập trung chi tiêu quốc phòng vào một lực lượng quân sự chuyên biệt nhỏ.
Thay vào đó, vẫn đề cao cảnh giác trong khi duy trì quan hệ hoà hảo với Nga, cốt lõi sức mạnh quân sự của Phần Lan là một đội quân dự bị đông đảo, được đào tạo bài bản. Helsinki đã duy trì điều này thông qua việc nhập ngũ bắt buộc, một hệ thống đã ngừng hoạt động ở hầu hết các quốc gia châu Âu khác.
Theo quy định, tất cả nam giới Phần Lan trong độ tuổi từ 18-60 có nghĩa vụ tham gia bảo vệ tổ quốc, thời gian phục vụ của họ kéo dài từ 6-12 tháng. Trong khi đó, phụ nữ cũng có thể tình nguyện tham gia nhập ngũ.
Trung bình hàng năm Phần Lan đào tạo được khoảng 22.000 lính nghĩa vụ. Sau đó, những người này tiếp tục được yêu cầu ở lại để huấn luyện thêm và thực hiện thêm các bài tập quân sự.
Hệ thống này đến nay vẫn phổ biến đối với người Phần Lan. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 12 năm ngoái, có tới 73% người tham gia đã bày tỏ sự ủng hộ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Gần đây, Phần Lan cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP (không bao gồm lương hưu quân nhân) và cho biết đây là một cách tương đối tiết kiệm để duy trì một đội quân gắn bó và tận tâm để bảo vệ biên giới đất nước.
Phần Lan có bao nhiêu binh sĩ?
Quy mô của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan tương đối khiêm tốn với 12.000 quân tại ngũ trong tổng số 5,5 triệu dân. Tuy nhiên, nước này lại có khoảng 280.000 quân dự bị có khả năng chiến đấu trong thời chiến.
Mặc dù con số này không đáng kể so với đội quân được huy động đầy đủ có thể lên tới 2 triệu người của Nga nhưng nó lại lớn hơn nhiều so với một quốc gia tương đương. Ví dụ, Na Uy, một thành viên của NATO, có dân số tương đương với Phần Lan nhưng chỉ có tổng cộng khoảng 63.000 quân, đã bao gồm cả quân dự bị.
Thay vì tập trung vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, quân đội Phần Lan trong nhiều thập kỷ đã được huấn luyện kỹ lưỡng để làm chủ lãnh thổ của mình, bao gồm cả ở Bắc Cực, với mục đích cụ thể là đẩy lùi một cuộc tấn công lớn tiềm tàng của Nga.
Quân nhân dự bị thuộc các đơn vị khu vực và địa phương ở Phần Lan vẫn tham gia với quân đội, năng lực của họ thậm chí còn được nhận xét là vượt so với xa quá trình huấn luyện ban đầu. Trong đó, nhiều người thuộc đơn vị quân dự bị cũng luôn có sự cảnh giác quân sự cao.
Trang bị quân sự Phần Lan
Phần Lan được đánh giá là một trong những quốc gia có trang bị quân sự mạnh nhất châu Âu, với khoảng 1.500 hệ thống, phần lớn là trang thiết bị hiện đại.
Quốc gia Bắc Âu này còn có một lực lượng không quân hùng mạnh với tổng số gần 160 máy bay và có thể giám sát chi tiết trên không do gần không phận Nga.
Trong một phần kế hoạch tăng cường tài trợ cho các lực lượng vũ trang gần đây, Phần Lan vừa ký một thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD để thay thế các máy bay chiến đấu cũ bằng 64 chiếc Lockheed F-35 đời mới.
Về lợi thế trên biển, hải quân Phần Lan bao gồm một lực lượng nhỏ nhưng hùng hậu với gần 250 tàu, bao gồm một hạm đội tàu tấn công tên lửa nhanh và các tàu rà phá bom mìn. Những điều này rất phù hợp với đường bờ biển dài của Phần Lan với nhiều hòn đảo và chỉ cách thành phố St. Petersburg của Nga vài giờ di chuyển.
Điều kiện địa lý này dự kiến cũng sẽ giúp NATO triển khai lực lượng trên vùng biển thường được Nga sử dụng để đưa đón các tàu từ hạm đội Baltic của họ giữa St.Petersburg và vùng đất Kaliningrad. Đồng thời, việc Phần Lan gia nhập NATO cũng sẽ mang lại lợi thế cho liên minh ở vùng biển Bắc Cực.
Đối tác quân sự của Phần Lan
Phần Lan, trong khi duy trì chính sách không liên kết chính thức, đã và đang dần hội nhập vào liên minh quân sự phương Tây NATO từ nhiều năm.
Năm 1994, nước này đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác với NATO nhằm đảm bảo các lực lượng vũ trang Phần Lan được cấu trúc để hoạt động liên tục với các thành viên của liên minh.
Theo thoả thuận hợp tác này, Phần Lan cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với khối và họ cũng đã tham gia vào các hoạt động quân sự do NATO dẫn đầu ở Balkan, Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên, nền tảng của khả năng phòng thủ của Phần Lan ở tình trạng trung lập là mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực như Thụy Điển, những người cũng sẵn sàng gia nhập khối. Trong khi 2 quốc gia này không có nghĩa vụ phòng vệ lẫn nhau nhưng họ vẫn thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo.
Sự hợp tác này cũng đã được mở rộng sang Na Uy trong những năm gần đây, với việc tăng cường hơn nữa sự hội nhập của hai nước không phải là thành viên và các cuộc tập trận 3 bên ở cực Bắc Bắc Âu.
Những điều này đã góp phần tạo nên sức mạnh quân sự hiện tại của Phần Lan và cho thấy quốc gia này sẽ mang đến một sự đóng góp đặc biệt đối với liên minh NATO.
Minh Hạnh (Theo CGTN)