+Aa-
    Zalo

    Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bên cạnh những lễ tiết cúng bái, điều kiêng kỵ thì người xưa còn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của tháng cô hồn.

    Tháng 7 Âm lịch hay còn được gọi là tháng cô hồn. Bên cạnh những lễ tiết cúng bái, điều kiêng kỵ thì người xưa còn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của tháng đặc biệt này trong năm.

    Tháng 7 Âm lịch còn được gọi là tháng cô hồn - Ảnh: Minh họa

    Sự tích tháng cô hồn

    Tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Đà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu).

    Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ dài, miệng nhả ra lửa bước vào.

    Quỷ cho biết ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.

    A Nan sợ quá bèn nhờ quỷ bày cho cách tránh khỏi khổ đồ.

    Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên".

    A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là "Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni". A Nan đem tụng trong lễ cúng và được tăng thêm phúc thọ.

    Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là “Phóng diệm khẩu” với ý nghĩa là "thả quỷ miệng lửa".

    Từ 2/7 đến 14/7 là lúc quỷ đói được trở về với cõi trần - Ảnh: Minh họa

    Nguồn gốc tháng cô hồn

    Tháng cô hồn được bắt nguồn từ Đạo giáo của người Trung Quốc với quan niệm rằng: Từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ bắt đầu mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói được trở về dương gian. Sau đó cánh cửa sẽ đóng lại đúng vào đêm 14/7 Âm lịch. Vào khoảng thời gian này người dương nên cúng cháo, gạo… để quỷ đói không nhũng nhiễu và quấy phá cuộc sống của mình.

    Ở Việt Nam, việc cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Người Việt cho rằng con người bao gồm 2 phần đó là hồn và xác. Khi mất đi nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại, có người được đầu thai chuyển kiếp nhưng có người bị đày vào địa ngục làm quỷ đói nhũng nhiễu dương gian.

    Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào.

    Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.

    Ý nghĩa tháng cô hồn

    Theo tín ngưỡng của người Việt thì tháng 7 Âm lịch là dịp xá tội vong nhân. Lễ cúng cô hồn thể hiện lòng kính trọng vị tha của người sống với người đã khuất.

    Ngoài việc cúng tổ tiên tỏ lòng thành kính báo hiếu, nhớ đến tổ tiên, những người họ hàng đã khuất thì mâm cúng chúng sinh cũng rất quan trọng thì việc cúng cô hồn sao cho đúng để không gặp xui xẻo trong tháng 7 cũng như tích đức, tích phước cho con cháu, xóa tội cho vong linh của gia đình dưới suối vàng. Khi cúng chúng sinh, gia chủ hay những người làm lễ đọc kinh cầu siêu để siêu độ cho những vong hồn lang thang không nơi nương tựa.

    Quỳnh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-thang-7-am-lich-duoc-goi-la-thang-co-hon-a287280.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan