+Aa-
    Zalo

    Vì sao giá thuốc bán trong bệnh viện đắt?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù Bộ y tế đã ban hành rất nhiều thông tư về việc quản lý giá thuốc, tuy nhiên, tình trạng giá thuốc trong bệnh viện bán cao hơn bên ngoài vẫn xảy ra ở rất nhiều bệnh

    Tình trạng giá thuốc trong bệnh viện bán cao hơn bên ngoài vẫn tồn tại ở rất nhiều bệnh viện lớn. Bệnh viện nghi ngờ chất lượng thuốc của tư nhân, trong khi người bệnh vẫn lựa chọn các loại thuốc này vì giá thành rẻ hơn nhiều lần. 

    Đối diện bệnh viện Bạch Mai, các nhà thuốc tư nhân luôn trong tình trạng đông khách. Phần lớn trong số đó là người bệnh đã thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu trung ương – hai cơ sở y tế nằm trên đường Giải Phóng và Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, giá thuốc cùng chủng loại, cùng hãng sản xuất, thường rẻ hơn so với hóa đơn trong bệnh viện.  

    Đơn thuốc của bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai.

    Bà Ngát là một bệnh nhân ở xóm chạy thận, vào một ngày cuối tháng 6 như thường lệ, cầm đơn thuốc được các bác sĩ tại Khoa thận, bệnh viện Bạch Mai kê để điều trị suy thận cấp độ 3. Trong đơn thuốc, các loại thuốc được chỉ định sử dụng bao gồm Losar Denk 50, Vinzix (Furrosemide) 40 mg, Amlor Cap 5mg với tổng giá trị 324.000 đồng. Tuy nhiên, các loại thuốc trên nếu như được mua tại nhà thuốc Long Tâm Số 5 – đối diện bệnh viện Bạch Mai, chỉ mất 285.000 đồng - tức cao hơn gần 5% so với giá thị trường.

    Thu thập một số hóa đơn thuốc của các bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi cũng phát hiện thêm rất nhiều đầu thuốc có giá bán cao hơn bên ngoài. Đơn cử như thuốc Medrol 16mg có giá 121.300đ/ 30v tại Bệnh viện Bạch Mai, chỉ có giá 117.900đ tại nhà thuốc Mega3. Thuốc Zinnat 500 mg bán tại Nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai với giá 526.220 đồng/20 viên thì tại trang web thuoctienloi.vn chỉ có giá 500.000 đồng/20 viên…

    Tình hình cũng tương tự ở Bệnh viện Da liễu trung ương. Đưa con đi khám, chị P.T.T nhận được chuẩn đoán con mình bị viêm da cơ địa. Đơn thuốc được kê bao gồm Fucidin H cream, Gammaphil 150 ml, Gammaphil – Moisturizing cream, Fexihist 60 ml, Thioserin 60 mg với tổng tiền hơn 1 triệu đồng trong đó, có rất nhiều đầu thuốc có giá bán cao hơn hiệu thuốc ngoài bệnh viện.

    Đơn cử, một tuýp Gammaphil – Moisturizing 50g bánh trong nhà thuốc bệnh viện có giá 158.200 thì tại nhà thuốc bên ngoài cạnh đó chỉ có giá 130.000 đồng; Papulex oil – free Cream 40ml có giá 415.162 đồng, trong khi chỉ có giá 369.000đ đồng.

    Hóa đơn thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai có tới 2/3 đầu thuốc cao hơn so với nhà thuốc bên ngoài.

    Dù có giấ rẻ, song "thuốc ngoài nhà thuốc bệnh viện" không phải lúc nào cũng là lựa chọn đầu tiên của người bệnh. Bà Thiện - một bệnh nhân đang thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, “Dù mua thuốc ở đây (ngoài bệnh viện - PV) cũng giúp tôi tiết kiệm thêm, nhưng tôi vẫn chưa dám yên tâm về chất lượng của các loại thuốc đó”.

    Lý giải về việc giá thuốc trong nhà thuốc bệnh viện cao hơn nhà thuốc bên ngoài, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết: “Bệnh viện Bạch Mai luôn thực hiện rất nghiêm ngặt việc quản lý giá thuốc. Các hãng dược khi cung cấp thuốc cho bệnh viện đã phải cam kết rất chặt chẽ về giá. Cụ thể, hãng dược không được bán thuốc cho nhà thuốc rẻ hơn giá bán trong bệnh viện. Mặt khác, chức năng của chúng tôi là chữa bệnh, chứ không phải thu lợi nhuận từ việc bán thuốc. Chênh lệch so với giá thuốc gốc rất nhỏ, cái đó gọi là thặng số bán lẻ và ở Bệnh viện Bạch Mai, thặng số bán lẻ chưa bao giờ vượt quá quy định của Bộ Y Tế”. 

    Theo ông Hùng, có rất nhiều nguyên nhân khiến giá thuốc bán lẻ trên thị trường vẫn rẻ hơn bệnh viện, trong đó, nhiều nhà thuốc tìm cách bán “phá giá” bằng việc nhập hàng cận date, hay các nguồn hàng không rõ nguồn gốc. Thậm chí, nhiều nhà thuốc tư nhân tìm cách thu mua thuốc của bệnh nhân đã mua trong bệnh viện nhưng dùng không hết, hay chi phí để bảo quản các loại thuốc dễ hư hỏng của các nhà thuốc trên cũng không được đảm bảo.

    “Chúng tôi không bán giá cao, nhưng cũng không thể ép các nhà thuốc trên thị trường không bán giá thấp. Tuy nhiên, thuốc trong bệnh viện luôn được đảm bảo về chất lượng và bệnh viện sẽ chịu mọi trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Ngược lại, ngoài việc quy trình bảo quản không bằng, không ai có thể chắc chắn rằng nguồn hàng của các nhà thuốc tư nhân là đảm bảo”, ông Hùng nói.

    Liệu thực sự giá thuốc bên ngoài bệnh viện rẻ hơn do có nguồn gốc không đảm bảo? Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy thông tin từ các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện để làm rõ việc này.


    Thu Trang - Bá Định

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-gia-thuoc-ban-trong-benh-vien-dat-a195575.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan