Đơn vị thi công thừa nhận việc sử dụng gỗ để làm công trình ngoài trời là bất tiện, đặc biệt đối với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế. Tuy nhiên, đây là ý kiến bắt buộc do phía nhà tài trợ yêu cầu phải dùng gỗ.
Trả lời báo Lao Động, ông Văn Viết Thành (Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế )- đơn vị thi công lát đường đi bộ ven sông Hương cho biết, việc sử dụng gỗ lát ở dự án đường đi bộ là do phía nhà tại trợ yêu cầu.
“Chúng tôi biết rằng vật liệu gỗ là bất tiện đối với khí hậu của Huế, nhưng đây là ý kiến bắt buộc, phải làm đường bằng gỗ từ nhà tài trợ KOICA của Hàn Quốc khi công trình này được họ tài trợ 100% kinh phí không hoàn lại”.
Cũng theo nguồn tin trên, số lượng gỗ lim dùng để lát sàn cho cầu đi bộ được nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.
Về việc tư vấn lựa chọn gỗ lim làm vật liệu lát sàn, qua quá trình thiết kế, các chuyên gia của cả Hàn Quốc và Việt Nam đã nghiên cứu kỹ nhiều phương án, như đá granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam (Awood WPC), gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc (wood plastic composites), gỗ lim... Vật liệu sử dụng cho việc lát sàn được xem xét, đánh giá kỹ về các yếu tố: Thân thiện môi trường, cảnh quan; ít biến dạng, bền vững với thời gian; màu sắc hài hòa, góp phần tạo nét đặc trưng; kinh phí đầu tư,…
Đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương. Ảnh: VnExpress |
Trên cơ sở so sánh, đánh giá, phân tích kỹ đối với bốn loại vật liệu có thể dùng để lát sàn, kết quả đã đề xuất chọn gỗ lim làm vật liệu lát sàn cho cầu đi bộ với lí do: Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ thuộc nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu); ưu điểm nó là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co rút, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm,…
Trước thông tin, hàng loạt tấm gỗ lim tại công trình bị nứt, trả lời báo Vietnamnet, ông Thành xác nhận có hiện tượng trên và cho biết những thanh bị nứt dọc theo thớ gỗ với kẽ hở gần 1cm và nhiều thanh bị nứt chân chim.
Về nguyên nhân của hiện tượng trên, ông Thành cho rằng có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Trong đó ông cũng nhấn mạnh về sơ suất của công nhân trong quá trình thi công.
“Nguyên nhân xuất hiện các vết nứt chân chim là do tình trạng co ngót của mặt gỗ vì cơ của gỗ là những bó sợi, khi đưa ra thời tiết nắng nóng thì các cơ này liên tục thay đổi tạo thành các vết nứt. Tuy nhiên những tấm gỗ này vẫn sử dụng được.
Đối với nhóm những thanh bị nứt dọc, nứt quá 2/3 bề dày của thanh gỗ.thì buộc phải loại, thay thế bằng những thanh gỗ mới. Cái này một phần xuất phát từ lỗi của công nhân trong quá trình thi công, lắp đặt”, ông Thành giải thích.
Đại diện đơn vị thi công cũng thông tin thêm, cầu đi bộ bằng gỗ lim ven sông Hương được lát bởi 16.000 thanh gỗ, xác suất gỗ bị loại bỏ thay thế cho phép là 5% (800 tấm) nên sẽ có các gỗ bị hư hỏng.
Theo báo Giao Thông, dự án Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế có tổng kinh phí thực hiện là 52,9 tỷ đồng; chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thống nhất do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại.
Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim 2.438m2, thực hiện theo quy trình chỉ dẫn kỹ thuật phần lát sàn bằng gỗ lim đảm bảo ổn định và được xử lý gỗ nhằm tăng tuổi thọ công trình. Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý ngâm hóa chất, sấy… và gia công, lắp dựng). Nguồn gốc gỗ lim là được nhập khẩu từ Nam Phi.
Hoàng Yên (T/h)