Không chỉ người mất việc mới được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành và tiếp thu ý kiến của Uỷ ban xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn chỉnh dự thảo Luật Việc làm.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, Luật Việc làm hiện nay có một quy định duy nhất hỗ trợ người sử dụng lao động đó là chính sách “hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chính sách, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ trên. Nguyên nhân là do các điều kiện hưởng chế độ quá chặt chẽ.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thì chính sách trên mới được phát huy, 66 doanh nghiệp đã được hỗ trợ với số tiền 38,87 tỷ đồng.
Từ kinh nghiệm đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa dự luật theo hướng sẽ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ doanh nghiệp vì các lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, hiện chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người mất việc, chưa có hỗ trợ cho người lao động đang làm việc nâng cao tay nghề.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định theo hướng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho cả người lao động đang làm việc và bổ sung chi hỗ trợ tiền ăn cho người lao động (không hưởng trợ cấp thất nghiệp) trong thời gian học.
Về chế độ tư vấn và giới thiệu việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tính đến tháng 9/2024, hơn 15,6 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có hơn 1,74 triệu lượt người được giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc sử dụng kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, dù đây là một chế độ của người lao động nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và quy định cụ thể đối tượng được tư vấn, giới thiệu việc làm để đảm bảo các điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, Luật Việc làm hiện cũng chưa có quy định các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các tình huống đột xuất như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh… Vì vậy, lần sửa này, Bộ LĐ-TB&XH muốn bổ sung chính sách trên để kịp thời giảm bớt khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp, như đã từng làm ở thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung thêm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Đồng thời, quy định người sử dụng lao động khi tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm người sử dụng lao động phải đóng cho lao động là người khuyết tật, thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng.
Rà soát, làm rõ các chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
Trước đó, chiều 25/10, ngay sau khi kết thúc phiên họp Quốc hội, Ủy ban Xã hội tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Tại phiên họp, đưa ra ý kiến thẩm tra dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo; Hồ sơ dự án Luật thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị của cơ quan soạn thảo; đồng thời Hồ sơ cũng đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động đối với những chính sách mới so với Luật hiện hành. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên và người cao tuổi, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ các chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, các chính sách đối với người cao tuổi cần đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Đối với các vấn đề về trình tự đăng ký lao động, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về trình tự lao động đối với người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động nhưng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, người quản lý doanh nghiệp... Bổ sung quy định nhằm tránh sự trùng lắp trong việc đăng ký lao động đối với người lao động thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác nhau; vấn đề đăng ký thông tin người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Đồng thời làm rõ và xử lý thông tin về lao động khi có sự khác nhau về mặt thông tin, liên thông dữ liệu với các doanh nghiệp trong cơ quan bảo hiểm xã hội. Thực tế hiện nay người lao động có bằng cấp, trình độ, chứng chỉ chuyên môn nhưng để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đôi khi họ không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, ảnh hưởng tới việc quản lý người lao động…