(ĐSPL) – Sau khi ông Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank bị bắt, tới lượt người thay thế ông là bà Nguyễn Minh Thu cũng vừa bị tạm giam. Vậy lý do nào khiến cả hai lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này rơi vào vòng lao lý?
Như tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đưa, chiều ngày 28/1/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Minh Thu– cựu Chủ tịch HĐQT – cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Oceanbank.
Theo thông báo của cơ quan điều tra, bà Nguyễn Minh Thu bị bắt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó, ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an (C46) đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank về tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Liên quan tới vụ việc này, ngay sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, bà Nguyễn Minh Thu được dư luận đặc biệt quan tâm khi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT OceanBank ngày 23/10/2014 ngay sau khi HĐQT OceanBank ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch của ông Hà Văn Thắm và ông này bị bắt tạm giam ngày 24/10/2014.
Tuy nhiên, đến ngày 28/12/2014, HĐQT OceanBank tiếp tục miễn nhiệm chức Chủ tịch của bà Nguyễn Minh Thu do có đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT. Được biết, sau khi thôi chức Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Minh Thu vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thành viên HĐQT Ngân hàng này cho tới khi bị bắt tạm giam vào ngày 28/1 vừa qua.
Hiện tại, người đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của OceanBank là bà Đào Thị Thúy - thành viên độc lập HĐQT. Chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách OceanBank cũng được giao cho ông Vũ Nhật Lâm do bà Nguyễn Thị Mai Hương có đơn xin thôi nhiệm vụ.
Trong một diễn biến khác liên quan tới tình hình kinh doanh của ngân hàng OceanBank, trước thời điểm ông Hà Văn Thắm bị bắt, Oceanbank dù không được đánh giá là ngân hàng “khỏe” nhưng vẫn không bị xếp vào diện yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu đợt một.
Tuy nhiên, sau rất nhiều sự việc ầm ĩ trong năm qua, đã xuất hiện thông tin ngân hàng này sẽ “về chung một nhà” với một ngân hàng khác. Tuy nhiên cho tới thời điểm này thì ngân hàng nào sẽ sáp nhập với Oceanbank vẫn đang còn là một bí ẩn.
Theo nguồn tin của Báo Kinh tế & Đô thị, sau thời gian NHNN kiểm soát đặc biệt, hiện một nhóm Vietinbank đã được NHNN cử về “đóng đô” tại Oceanbank để kiểm soát các hoạt động của ngân hàng này. Tuy nhiên, khả năng Oceanbank có “về chung nhà” với Viettinbank hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Được biết, từ đầu tháng 1/2015, Oceanbank đã dừng giải ngân một số khoản vay mới. Các hoạt động khác từ các chi nhánh, phòng giao dịch đều phải báo cáo trực tiếp với Phó Tổng Giám đốc ngân hàng.
Trước đó, có thông tin ngân hàng Oceanbank trong 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận chỉ đạt ở mức hơn 50 tỷ đồng trong khi nợ xấu tăng vọt lên hơn 5\%. Tuy nhiên ngay sau đó, đại diện của ngân hàng đã bác thông tin này.
Theo phía Oceanbank cho biết, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014, tại thời điểm 30/6/2014, tổng tài sản của OceanBank đạt 68.783 tỷ đồng, tăng 1.708 tỷ đồng so với cuối năm 2013 và đạt 101\% kế hoạch cả năm 2014, tổng huy động vốn đạt 63.630 tỷ đồng, đạt 103\% kế hoạch năm, tăng 1.563 tỷ đồng so với cuối năm 2013.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng đạt 350,9 tỷ đồng. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm 2014 là 299,2 tỷ đồng.
Dù tới 1/1/2015, ngân hàng mới phải thực hiện phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn (theo kết quả xếp hạng của Trung tâm Thông tin tín dụng), nhưng OceanBank đã chủ động trích lập sớm, trước thời điểm quy định bắt buộc.
Như vậy, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2014 của OceanBank đạt 51,7 tỷ đồng. Và cũng chính vì áp dụng theo Thông tư 02 từ 1/6/2014 nên tỷ lệ nợ xấu của OceanBank giảm đi, còn 2,56\% thay vì trên 5\% theo cách tính thông thường trước đây.