Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân nên giai đoạn đầu của vụ án mới chỉ xử lý hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Không chấp hành ý kiến chỉ đạo
Theo Báo Tri thức trực tuyến, trong bản cáo trạng dài 235 trang vừa được VKSND tỉnh Phú Thọ ban hành hôm 31/8, cơ quan tố tụng xác định ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 Bộ Công an) có dấu hiệu bảo kê cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc qua game Rikvip.
Năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp dưới làm văn bản trình ý kiến lên Tổng cục cảnh sát về việc thành lập công ty bình phong theo mô hình TNHH. Trong đó C50 góp 20% phần vốn và cử người phụ trách công nghệ thông tin.
Trong thời gian xin chủ trương, qua giới thiệu của ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát), ông Hóa đã gặp Nguyễn Văn Dương để thống nhất cho CNC làm công ty bình phong. Với thỏa thuận C50 được hưởng 20% lợi nhuận kinh doanh dù không góp vốn, ông Hóa đã đề nghị cấp trên cho CNC phát hành trò chơi cờ bạc trên Internet. Lý do cựu Cục trưởng C50 nêu trong đề xuất là nhằm quản lý hoạt động cờ bạc hợp pháp và tạo nguồn thu xây dựng lực lượng hacker chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao.
Ông Nguyễn Thanh Hóa - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an |
Cũng từ những tham mưu của ông Hóa, bị can Phan Văn Vĩnh ký quyết định công nhận CNC làm công ty bình phong trái quy định; đồng thời cho doanh nghiệp này thuê trụ sở của Tổng cục cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan tố tụng xác định việc này tạo ra rào cản cho cơ quan chức năng khi xác minh, xử lý Dương.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông Hóa đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Sau 50 ngày, khi có văn bản yêu cầu báo cáo lần 2, cựu Cục trưởng C50 mới chỉ đạo cấp dưới báo cáo nhưng khẳng định 2 game bài trên đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Ngoài ra, ông Hóa còn soạn văn bản trình ông Vĩnh ký, để che giấu việc góp vốn vào công ty của Dương bằng lợi thế nghề nghiệp.
Giữa năm 2015, Phòng phòng chống tội phạm máy tính (Phòng 2 - C50) phát hiện Rikvip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc nên đề xuất được xác minh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hóa không đồng ý với lý do CNC là công ty bình phong vận hành Rikvip không vi phạm pháp luật.
Tháng 8/2016, ông Hóa ký văn bản gửi ông Vĩnh, báo việc game bài Rikvip có dấu hiệu đánh bạc. Ông Vĩnh đồng ý với đề xuất xác minh về game bài này, đồng thời chỉ đạo C50 báo cáo lãnh đạo bộ để xây dựng kế hoạch bóc gỡ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định Tổng cục cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo bộ và cũng không tổ chức xác minh để đấu tranh.
Một tháng sau, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đổi tên Rikvip thành Tip.Club. Phòng 2 - C50 nhiều lần báo cáo Nguyễn Thanh Hóa về hoạt động phức tạp của game đánh bạc trá hình này nhưng cựu cục trưởng không chỉ đạo xác minh làm rõ.
Ông Nguyễn Thanh Hóa chưa thành khẩn, đổ lỗi cho người khác
Theo Báo Dân trí, thời gian C50 hợp tác với Công ty CNC, Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD, nhưng không thừa nhận Dương cho 22 tỷ đồng.
Về mục đích, động cơ, Nguyễn Thanh Hóa cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo “nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm là một nhiệm vụ chiến lược của C50”. Nhưng thực tế, hơn 2 năm Công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng, không có khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu (chi 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD cho C50).
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trong khi đó, việc sống còn trong vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Do vậy, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực.
Song quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi của Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội của Nguyễn Thanh Hóa được áp dụng xử lý theo Điểm a, Khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2017).
“Trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thanh Hóa chưa thành khẩn, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình mà đổ lỗi cho người khác. Chính bản thân Hóa là người thực hành tích cực, biết rõ ý định của Nguyễn Văn Dương muốn vận hành cổng thanh toán cho game cờ bạc ngay từ khi hợp tác năm 2011 nhưng vẫn chỉ đạo soạn thảo và ký nhiều văn bản giúp Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự” – cáo trạng nêu rõ.
Từ căn cứ trên, VKSND tỉnh Phú Thọ đã Quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Hóa ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2017) với khung hình phạt từ 5-10 năm tù.
Cự Giải (T/h)