Giám đốc Sở Xây TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vi phạm nhà không phép trên địa bàn giống quả bom nổ chậm không biết nổ khi nào.
Theo tin tức trên báo VnExpress, sáng 25/9, phát biểu tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, hiện có gần 10% số lượng công trình nhà cao tầng vi phạm trật tự xây dựng.
"Tình trạng này chắc chắn tăng trong thời gian tới. Đơn vị đầu tư luôn ứng dụng nhiều đổi mới, bản thân chúng ta phải tổ chức bộ máy con người để theo kịp, quản lý kịp, nếu không sẽ đi sau doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Báo Sài Gòn giải phóng cũng thông tin, về nguyên nhân, ông Tuấn phân tích có nhiều nguyên nhân khiến các công trình vi phạm, trong đó có nguyên nhân các công trình được cấp phép nhiều, năng lực quản lý còn hạn chế.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh. |
Để nâng cao năng lực quản lý về trật tự xây dựng, nhất là đối với nhà cao tầng, Sở Xây dựng dự tính đưa lực lượng thanh tra xây dựng về lại các quận, huyện. Khi đó họ sẽ được gọi là trật tự đô thị.
“Sắp tới, Sở Xây dựng TP sẽ tiếp tục tích cực tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị về quản lý và có quy định xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm về đạo đức, tác phong, nghiệp vụ trong quá trình công tác”, ông Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trần Trọng Tuấn cũng nhìn nhận, hiện nay sự phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng còn bất cập dẫn tới đùn đẩy, tạo sơ hở dẫn tới vi phạm xây dựng như thời gian qua.
“Nói thật vi phạm nó giống như quả bom nổ chậm không biết nổ lúc nào. Vẫn còn những khoảng hở trong phối hợp”, ông Tuấn phát biểu.
Trong công tác quản lý chung cư trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn đánh giá tranh chấp giữa chủ đầu tư với Ban Quản trị chung cư là vấn đề “nóng” trong thời gian tới.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Trần Trọng Tuấn cho hay hiện có 8-10% chung cư trên địa bàn TP có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị, giữa chủ đầu tư và cư dân.
Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu vẫn liên quan đến lợi ích phát sinh từ kinh phí quản lý chung cư. Khu vực có nhiều chung cư tranh chấp là quận Tân Phú, Tân Bình.
"Có những chung cư chi phí quản lý chỉ 5-7 tỉ đồng. Nhưng cũng có những chung cư phí quản lý cực lớn, lên tới ba bốn chục tỉ, thậm chí 70 tỉ đồng. Có những chung cư đang xây dựng chưa đưa vào sử dụng, thậm chí có công trình chưa khởi công đã phát sinh tranh chấp"- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện quy định pháp luật trao cho chủ đầu tư quyền tự chủ khá lớn. Trong khi vai trò quản lý nhà nước còn chưa cao. Để giải quyết mâu thuẫn này, hiện Sở Xây dựng phải lập tổ công tác chuyên tham mưu, xử lý, giải quyết các vấn đề tranh chấp chung cư.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới tiếp tục phân loại các vụ việc để tập trung xử lý... Đồng thời, Sở sẽ phối hợp các quận huyện tập huấn cho các Ban quản trị cũng như đơn vị vận hành chung cư. Vì thực tế hiện nay, năng lực của một số Ban quản trị chưa đạt, có nhận thức không đúng về pháp luật.
(Tổng hợp)