+Aa-
    Zalo

    Vi phạm hoạt động đấu thầu có thể bị xử lý hình sự

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cao nhất, người vi phạm có thể đối diện với án tù 20 năm.

    Theo phân tích của luật sư, những vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cao nhất, người vi phạm có thể đối diện với án tù 20 năm.

    Điểm mặt những dấu hiệu vi phạm

    Như Đời sống và Pháp luật từng phản ánh, tại Hà Nam, đã có hàng loạt dấu hiệu vi phạm đấu thầu tại các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Cụ thể, có nghi vấn gian lận hồ sơ để trúng thầu tại dự án “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông trục xã Chuyên Ngoại”, với tổng mức đầu tư hơn 8,7 tỷ đồng. Đơn vị được giao làm chủ đầu tư là UBND xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Kết quả lựa chọn nhà thầu cho dự án là Công ty CP Phát triển công nghệ xây dựng Nam Hà (Công ty Nam Hà – PV). Theo hồ sơ tham gia dự thầu, Công ty Nam Hà đã sử dụng các nhân sự gồm Trần Thanh Nhã, Ngô Công Hải và Nguyễn Văn Sơn. Đáng chú ý, trong 3 nhân sự này có tới 2 người đã được huy động thực hiện dự án khác do UBND xã Đồn Xá (huyện Duy Tiên, Hà Nam) làm chủ đầu tư.

    Kết quả phê duyệt công ty Nam Hà trúng thầu tại xã Chuyên Ngoại

    Tại Bắc Giang, "điệp khúc đội giá” ở những gói thầu tiền tỷ đã khiến dư luận hoài nghi về những du di cho sai phạm từ các nhóm lợi ích. Tình trạng “đội” giá thiết bị từ hàng trăm triệu lên cả tỷ đồng tại trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, trung tâm Y tế huyện Sơn Động đã khiến dư luận sửng sốt. Dấu hiệu “đội” giá đã thể hiện rất rõ tại gói thầu Mua sắm năm 2020 TTYT huyện Sơn Động, khi Hệ thống xử lý nước RO, model 6600, HCOM/Việt Nam được mua với giá 1,148 tỷ đồng. Trong khi, thực tế giá ‘gốc” chỉ hơn 400 triệu. Uớc tính sơ bộ, một chiếc máy RO 6600 gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước lên tới gần 700 triệu đồng.

    Máy xử lý nước RO Model 6600 có giá trúng thầu 1,148 tỷ đồng tại TTYT huyện Sơn Động, TTYT huyện Lục Nam. Trong khi, giá “gốc” chỉ hơn 400 triệu.


    Một địa phương khác là Thủy Nguyên (Hải Phòng): Công ty Cát Tường liên tiếp trúng nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng tại địa bàn huyện Thủy Nguyên. Tuy nhiên, điều phi lý là Công ty CP Xây dựng Cát Tường có dấu hiệu gian lận đấu thầu mà không hề thấy sự vào cuộc quyết liệt từ phía chủ đầu tư.

    Cụ thể, theo yêu cầu của hồ sơ dự thầu, công ty Cát Tường đã đề xuất 4 nhân sự gồm chỉ huy Vũ Xuân Quân cùng 3 kỹ thuật là Đặng Diệu Kỳ, Lê Văn Hữu và Khiếu Đức Thuận. Mặc dù, cả 4 nhân sự nêu trên đang thực hiện gói thầu tại Trường tiểu học Thiên Hương. Tuy nhiên, Công ty Cát Tường vẫn sử dụng những nhân sự này tham gia đấu thầu tại một đơn vị khác.

    Ông Hoàng Bảo Chung – Chủ tịch UBND xã Cao Nhân ký quyết định phê duyệt cho Công ty Cát Tường trúng thầu.

    Để tham gia gói thầu này, Công ty Cát Tường tiếp tục sử dụng bốn nhân sự chủ chốt là chỉ huy Vũ Xuân Quân cùng 3 kỹ thuật là Đặng Diệu Kỳ, Lê Văn Hữu và Khiếu Đức Thuận. Thế nhưng điểm vô lý là, tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ lại không hề phát hiện, yêu cầu nhà thầu làm rõ.

    Đáng chú ý, những nhân sự đang thi công hầu hết đều không phải cán bộ chỉ huy, kỹ thuật nằm trong danh sách mà Công ty Cát Tường đã đăng ký dự thầu.

    Trường hợp nào thì bị xử lý hình sự?

    Trao đổi với PV về thực trạng trên, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) nhìn nhận rằng, vi phạm hoạt động đấu thầu có thể xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ. Tuy nhiên, phải có người có thẩm quyền lập biên bản, xác định rõ sai phạm.

    Luật sư Phất phân tích, theo Nghị định 50 năm 2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tại Điều 20 có quy định xử lý vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

    Cụ thể, tại khoản 4 có quy định, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không đầy đủ nội dung, không chính xác, không đúng thẩm quyền; Không tổ chức thẩm định danh sách ngắn, danh sách nhà thầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với trường hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ; Không tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi phê duyệt; Trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

    Còn theo khoản 5, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Cho phép nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu dẫn đến làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu.

    “Việc xử lý như vậy nghe có vẻ không thỏa mãn vì nhiều người cho rằng xử phạt thế là quá nhẹ. Nhưng đây là xử phạt vi phạm về mặt hành chính”, luật sư Phạm Văn Phất nói.

    Tuy nhiên, vị luật sư cũng phân tích về các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu thầu sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Theo đó, Điều 222 tội Vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, phải có ràng buộc là gây thiệt hại từ 100.000 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu nhưng kèm theo các điều kiện.

    Cụ thể, Điều 222 tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng: Khoản 1 nêu rõ, người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.

    Cũng Điều 222, khoản 2, phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

    Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    “Thông thường, đối với các nhà thầu có đủ điều kiện hoặc có khiếu nại thì sẽ phải xem xét, có đúng là đánh giá hồ sơ dự thầu không đúng tiêu chuẩn hay không. Nhưng nếu đánh giá lại mà vẫn lựa chọn nhà thầu đó thì chỉ phạt hành chính, còn nếu phải thay đổi nhà thầu mà chưa thuộc trường hợp xử lý hình sự thì cũng xử lý hành chính.

    Trong trường hợp thay đổi nhà thầu lại cần xác định tiếp có gian lận không, có thông thầu không hay chỉ chấm sai, chấm nhầm, chấm ẩu, hoặc chấm nhầm thì có thay đổi nhà thầu kia không hay vẫn không thay đổi. Điều này phụ thuộc cơ quan có thẩm quyền quyết định.

    Nếu là gian lận thì thuộc trách nhiệm của người chuẩn bị hồ sơ. Nếu tôi yêu cầu bằng đại học mà cứ đưa bằng cao đẳng vào mà vẫn chấm thì lỗi lại do người chấm hồ sơ dự thầu đã cố tình chấm sai.

    Người tổ chức đấu thầu (được quyền lựa chọn nhà thầu) thì chỉ có hành vi chấm sai. Trong trường hợp có dấu hiệu thông thầu với nhau, thì phải làm rõ có bàn bạc không, có cố tình để giá thấp hồ sơ giúp cho người này trúng không. Cần phải có cơ quan chức năng xác định rõ từng trường hợp cụ thể, để có căn cứ xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự như các điều khoản quy định trong luật mà tôi đã phân tích ở trên”, luật sư Phạm Văn Phất nói thêm.

    Nguyễn Hùng - Nguyễn Dương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-pham-hoat-dong-dau-thau-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-a358429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan