Bên cạnh phát ngôn đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, ông Đoàn Ngọc Hải từng có nhiều phát ngôn khá ấn tượng.
Những phát ngôn "tạo sóng dư luận" của ông Đoàn Ngọc Hải
Liên quan đến phát ngôn trong nội dung trao đổi của ông Đoàn Ngọc Hải với một tài xế lái xe vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn quận 1 vào ngày 21/9, trong đó có câu: “Ở quận 1 phải biết luật, không biết thì về rừng U Minh” của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 (Tp. Hồ Chí Minh) gây xôn xao dư luận, thông tin trên Vietnamnet, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh nhận định: "Phát ngôn của anh Hải hơi cực đoan, nội hàm thì không có gì sai, dù ai đi đâu làm gì cũng phải chấp hành pháp luật".
Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau có văn bản gửi cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải đề nghị ông Đoàn Ngọc Hải xác định nội dung cuộc trao đổi, đồng thời cho ý kiến (bằng văn bản) trong thời gian sớm nhất, để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau định hướng dư luận xã hội.
Trả lời Thanh Niên, ông Đoàn Ngọc Hải nói: "Tôi không có ý gì với người dân U Minh thân thương cả. Tôi chỉ muốn lấy hình tượng “luật rừng” để nhắc nhở các tài xế đừng vin vào đó khi cố tình vi phạm rồi cãi cố".
Đến ngày 28/9, Bí thư Quận ủy quận 1 Huỳnh Thanh Hải có thư xin lỗi gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, Huyện ủy U Minh (Cà Mau) về phát ngôn của ông Đoàn Ngọc Hải.
Được biết, trước phát ngôn "Về rừng U Minh", ông Đoàn Ngọc Hải từng gây ấn tượng sâu sắc với cư dân Tp. Hồ Chí Minh và dư luận trong chiến dịch giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: Dân Trí |
"Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu "đánh trống bỏ dùi" như những năm trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn” - Ông Hải nói vào sáng 20/2 trong lúc cùng đoàn kiểm tra xuống đường xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè.
"Tôi đang thực thi công vụ, quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhiệm vụ của tôi hết sức nặng nề, hết sức đụng chạm. Chúng ta cùng nhau hợp tác, đồng thuận và chia sẻ để giải quyết vấn đề. Không có cơ quan nào được đứng trên pháp luật, tất cả đều thượng tôn pháp luật. Tôi phải công bằng và làm nghiêm" - Ông Hải khẳng định với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại buổi ra quân chấn chỉnh trật tự vỉa hè Sài Gòn ngày 27/2 khi gặp phải phản ứng khi cho dẹp các vọng gác trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM.
"Nhân dân đang ủng hộ, trông chờ vào chính quyền mà tôi chùn bước thì đâu còn xứng đáng là người cán bộ, Đảng viên nữa?" - Ông Hải phát biểu vào chiều ngày 03/3 và khẳng định lãnh đạo quận vẫn sẽ trực tiếp kiểm tra công tác lập lại trật tự đô thị tại nhiều tuyến đường trung tâm Sài Gòn.
"Lấn vỉa hè một tấc cũng đập" - Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải kiên quyết chỉ đạo đập bỏ khi phát hiện một bức tường lấn chiếm vỉa hè trên đường Huỳnh Thúc Kháng vào chiều ngày 10/3.
“Bỏ hội họp vô nghĩa đi. Dân trông mình làm việc chứ không chờ mình họp! Tôi cần những việc làm cụ thể chứ không phải những cuộc họp hay kế hoạch" - Ông Đoàn Ngọc Hải nói với lãnh đạo phường Bến Thành trong lúc làm nhiệm vụ dẹp vỉa hè chiều 10/3.
“Các anh đi làm hay đi chơi, nếu đi làm thì vào dẹp các công trình này cho tôi”. Câu nói này cũng thành câu cửa miệng của ông khi thấy cấp dưới chậm trễ trong công việc.
"Tôi chia sẻ với bà con nghèo buôn bán hàng rong trên địa bàn quận 1. Cha mẹ tôi cũng có gần 20 năm buôn bán hàng rong trên vỉa hè Lê Duẩn – Mạc Đĩnh Chi. Thế nên tôi rất hiểu và chia sẻ với bà con cô bác. Thế nhưng vì bộ mặt đô thị, tôi mong người dân thông cảm và chung tay với chính quyền" - Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải từng chia sẻ.
... và những tiền lệ
Ngày 27/2/2013, ông Bùi Quang Tiên được mời tham dự cuộc họp báo của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, chuẩn bị cho ngày đầu tiên các ngân hàng được thu phí nội mạng ATM (từ 1/3). Trong khi trả lời báo chí, ông Tiên đã có một số bình luận xung quanh việc người dân chưa quen với việc thu phí này.
"Người dân được cái lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Chúng ta xuất thân từ nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi. Bây giờ chúng ta phải mất phí khi sử dụng dịch vụ, thì cũng phải đảm bảo, học quy trình thao tác cho tốt, để khỏi trục trặc trên ATM. Đồng thời cũng phải cân nhắc rút tiền lúc nào cho phù hợp...", ông Tiên ví von.
Ngay tại buổi họp, sau khi có cảnh báo từ một đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Tiên đã nhận thức về việc mình lỡ lời và có ý xin lỗi vì phát ngôn thiếu cẩn trọng.
Cũng trong năm 2013, tại Hội nghị bàn về các nội dung của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tổ chức tại bộ GTVT chiều ngày 11/3, ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (bộ Công an) đã phát biểu: "Gần đây tôi lên mạng xem báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, nêu lên thế nào là mũ giả, mũ dỏm. Có lẽ chúng ta nói luôn mấy phóng viên đó là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ dỏm mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ".
Phát biểu có phần nóng nảy của ông Toàn đã khiến dư luận, đặc biệt là giới báo chí bức xúc, riêng vị Cục phó này ngay lập tức được xếp vào danh sách những quan chức có phát ngôn gây sốc.
Mặc dù sau đó ông Toàn đã có những phát biểu đính chính và xin lỗi giới báo chí, nhưng có lẽ đây sẽ là bài học sâu sắc cho quan chức thiếu kiềm chế cảm xúc của mình.
Trước việc dư luận xôn xao về việc 3 trẻ sơ sinh ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tử vong vì tiêm vắc xin viêm gan B vào năm 2013, trong khi hàng triệu bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm vắc xin đang lo lắng về sự an toàn của con trẻ và mong chờ vào những quyết sách nhanh chóng, quyết liệt của bộ Y tế để trấn an dư luận thì vị "tư lệnh" ngành lại vẫn miệt mài đi làm dự lễ khánh thành nghĩa trang.
Khi nói về vụ tiêm vắc xin làm 3 trẻ tử vong, "tư lệnh" ngành y tỏ ra quyết liệt trong việc truy tìm nguyên nhân của vụ việc bằng một phát biểu chấn động: "Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật...".
Sau phát biểu của Bộ trưởng Tiến, dư luận thật sự sửng sốt. Hiểu theo cách nói của vị tư lệnh ngành này thì nếu như vắc xin là nguyên nhân gây ra cái chết của 3 đứa bé đoản mệnh, thì ngành y của bà sẽ quyết không "bao che" cho vắc xin mà kiên quyết "trảm" ngay vắc xin. Còn chuyện vì sao có vắc xin kém chất lượng lại được tiêm vào trẻ sơ sinh thì... vô can?
Trước đó, trong khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục "gây sốc" với phát ngôn mới khi trả lời về tình trạng quá tải ở những bệnh viện tuyến trên, rằng: "Thiếu giường bệnh thì... phải hỏi Nhà nước". Không biết ý Bộ trưởng nói Nhà nước ở đây là ai? Bà là người đứng đầu công tác quản lý Nhà nước về Y tế, mà lại còn phải đi hỏi "Nhà nước"?
Cũng liên quan đến ngành y, sau sự việc một bệnh nhân tử vong tại bệnh viện đa khoa Thanh Oai (Hà Nội) với nhiều nghi vấn, khi phóng viên làm việc với lãnh đạo cơ sở này, ông Đỗ Ngọc Vấn - Phó giám đốc hồn nhiên nói: "Trong cuộc đời làm bác sỹ của tôi, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến... vài chục người. Chẳng qua đây là người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới nghi ngờ".
Một bác sĩ mà cho rằng trong nghề mình điều trị chết vài chục người là... bình thường thì người dân còn biết trông chờ việc bảo vệ sức khoẻ ở đâu?
Hay trước đây. trao đổi với báo giới quanh việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông “đội” giá hơn 300 triệu USD, ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đã nói: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.
Liên quan đến những phát biểu gây sốc của một số “tư lệnh” ngành, quan chức, cán bộ lãnh đạo trong thời gian qua, nhiều chuyên gia, các cán bộ đã lên tiếng về việc này. Đa số những ý kiến này đều cho rằng, mỗi lời nói của lãnh đạo, của quan chức ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, do vậy khi phát ngôn cần phải thật sự thận trọng, không thể phán bừa.
PGS.TS Lê Quý Đức (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) từng đưa ra nhận xét, ngoài những phát ngôn nhất thời, nóng vội của một số chính khách trong những hoàn cảnh đặc biệt, thì những phát ngôn còn lại có thể xuất phát từ sự nhận thức chưa đúng của người lãnh đạo đó. Cho nên phải nói rằng, trong đầu lãnh đạo phải luôn luôn thường trực nhận thức đúng, tình cảm đúng thì mới phát ngôn chính xác được.
(Tổng hợp)