+Aa-
    Zalo

    Về nơi đời người, đời nghề “ăn nhờ một chút nước sông”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Con sông Hoài vốn không giàu có sản vật nhưng lại có đặc sản hến đã thành kế mưu sinh nuôi ước mơ đến trường, học chữ của người dân nghèo khối Thanh Nam Đông.

    (ĐSPL) - Con sông Hoài vốn không giàu có sản vật nhưng lại có đặc sản hến đã thành kế mưu sinh nuôi ước mơ đến trường, học chữ của người dân nghèo khối Thanh Nam Đông. Trải bao đời, với những giá trị văn hoá độc đáo, phố Hội là điểm du lịch hấp dẫn, được cả thế giới biết đến.

    Trong cái hào hoa ồn ào phố xá, có một nghề nhọc nhằn "đi hôm về sớm" nơi miền sông nước của một bộ phận người dân vẫn tồn tại song hành như một nét quê vốn có...

    Về nơi đời người, đời nghề “ăn nhờ một chút nước sông”

    Nghề cào hến đi hôm về sớm.

    Nghề "ăn nhờ một chút nước sông"

    Ban ngày, một đoạn bãi sông Hoài qua khối Thanh Nam Đông phường Cẩm Nam (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) vắng tanh người. Khách đi mỏi chân cũng chỉ thấy vỏ hến trải đầy. Mấy chiếc ảng (vật chứa nước) to dùng để chao hến nằm chơ vơ. Trong những cái chòi nhỏ lợp lá dừa, nhiều lò nấu hến tàn tro từ tinh mơ. "Lý do dễ hiểu thôi, dân làm nghề cào hến nơi đây đã đi ra chợ, số còn lại phải nghỉ ngơi lấy sức, bởi một ngày "hoạt động" của họ bắt đầu từ 12h đêm. Đến lúc đó, trong ánh sáng lờ mờ giữa khuya, mấy chục hộ "ăn nhờ một chút nước sông" mới í ới gọi nhau. Màu nước sông bàng bạc, những đôi chân trần giẫm lên vỏ hến lạo xạo với cào, ngư cụ cũng tấp nập chuẩn bị lên thuyền, xuống bến.

    "ở đây, không gian tĩnh mịch của màn đêm cũng bộn bề, chộn rộn chẳng khác gì cuộc sống ban ngày", ông Phạm Văn Ri (49 tuổi, ngụ khối Thanh Nam Đông) trên đường dẫn khách ra bến sông Hoài đã nói như vậy. Trầm ngâm một lúc, ông Ri tiếp tục cất giọng đều đều theo nhịp bước chân: "Nghề hến đi hôm về sớm rứa mà đã có gần 30 năm tui trôi dạt với bến sông ni rồi. Cái nghiệp nó riết lấy mình từ bao đời, không theo nó cũng chẳng biết lấy cái chi ăn... Mùa ni nắng sớm, có thuyền còn tranh thủ đi làm từ 10h hay 11h đêm trước, cho đỡ mướt mồ hôi vào sáng hôm sau".

    Về nơi đời người, đời nghề “ăn nhờ một chút nước sông”

    Đãi hến bên sông Hoài.

    Theo ông Ri, trước đây dân làng chỉ khai thác thủ công với cây cào và cái nịt làm bằng tre choàng quanh thân cào. Lội xuống sông, nước có khi phải ngang vai, có khi chỉ lúp xúp trên dưới đầu gối, người cào đi thụt lùi. Mỗi lần giở cào lên, không chỉ có hến mà lẫn lộn trăm thứ "bà giằng": Sạn, vỏ ốc, cây gỗ mục... phải lọc lấy riêng thứ mình cần. Thấy kiểu làm này nhọc công, nhọc sức mà hiệu quả không cao, mấy năm gần đây người làm hến phát minh cây cào được thả xuống đáy sông, một người khỏe mạnh đứng phía sau lái thuyền, ghì sát cào xuống mặt đáy. Thuyền chạy, hến cứ thế bị xúc vào đụt lưới. Mỗi thuyền chỉ có một người đi cào từ khuya đến sáng.

    Hến có quanh năm, nhưng thường vào đầu hạ, khi con sông cạn nước, con hến qua một mùa mưa sinh sôi nảy nở cũng là lúc hến rộ mùa nhất. Con hến căng, to, thịt cũng ngon và dai hơn. Nhờ vậy, hến vào mùa này được giá rất cao do các mối từ nhiều nơi đến lấy thường xuyên. Mỗi năm người dân như ông chỉ "đi hến" từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch. Đến mùa mưa (khoảng tháng 8, 9, 10 âm lịch), trong lòng sông Hoài chỉ sót lại những con hến nhỏ, nên thợ hến phải gác ngư cụ, chờ ai thuê chi làm nấy, cầm cự cho đến mùa tiếp theo. Thế nhưng, thỉnh thoảng cũng có người vì nghèo quá mà đi cào, trời thương vẫn cho được loại hến to còn sót lại từ năm trước.

    Dong thuyền tới ngồi cạnh ông Ri, cụ Huỳnh Phước (70 tuổi) nhấp ngụm nước chè vui vẻ tiếp chuyện: "Tui già cả, mỗi chuyến đi hến như ri, được nhiều hay ít cũng nhờ phần lớn vào thiên thời địa lợi cả. Nhiều bữa, cào suốt từ đêm tới sáng, khi trở về chỉ đong được vài rổ hến con con, tiền bán hến đã không đủ nuôi gia đình qua một bữa huống chi tính chuyện để dành... Còn với những người đàn ông trung niên khỏe mạnh, vào thời điểm rộ hến, họ có thể lấy công làm lãi, nuôi sống được gia đình".

    Nghề cào hến đôi khi phải đổi bằng tính mạng

    Theo cụ Phước, nghề cào hến không chỉ tính bằng được mất của những bữa ăn mà thậm chí có người phải đổi bằng tính mạng. Bản thân cụ, ông Ri hay những đồng nghiệp khác, nếu chẳng may đêm nào gặp thời tiết xấu, tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Cụ Phước buông tiếng thở dài kể: "Dù bản thân có rất nhiều kinh nghiệm sông nước, nhưng lúc đối diện với cơn dông vào giữa năm 2013, tui cũng trở tay không kịp. Mới nghe ông trời đì đùng sấm rền, bất ngờ mưa như trút làm ngập cả thuyền. Chiếc ghe tắt máy xoay đủ chiều, chao sang một bên hất tui xuống nước. Già cả, vài cái quẩy tay, sức bơi tôi yếu dần rồi chìm nghỉm May lúc đó có ghe khác tới cứu, nếu không thì...".

    Khi những người đàn ông ra sông cào hến thì đàn bà trong vùng cũng nối đuôi ra bến làm những phần việc như đãi, luộc, nấu hến, đem bán và cũng vất vả không kém. ở một góc sông Hoài thuộc phường Cẩm Nam, cụ bà Đinh Thị Thao (mẹ ông Ri) với 70 tuổi đời, 55 năm tuổi nghề, đang đưa đôi tay đảo liên tục nồi hến. Trong ánh lửa bập bùng giữa đêm khuya, từng nếp nhăn trên gương mặt sạm đen của cụ Thao lộ rõ. Hỏi chuyện, cụ không nhớ nghề cào hến của người dân Cẩm Nam bắt đầu từ khi nào, nhưng gia đình cụ đã có bốn đời theo nghề này.

    Cụ Thao cho biết, các công đoạn chế biến hến được làm hết sức công phu. Hến sau khi được đãi sạch, ngâm qua nhiều lần nước rồi mới đem luộc trên một chiếc bếp tự chế của người dân trong vùng. Luộc hến được chia làm nhiều lần, mỗi lần chừng 3kg, hến vừa nhanh chín lại vừa sức người làm...

    Chị Đặng Thị Thắng (31 tuổi, con cụ Phước) đang tất bật công đoạn đãi hến chia sẻ thêm: "Những ngày đầu mới làm, còn chưa quen tay, hơi từ nồi nước luộc bốc lên khiến tay tui phồng rộp cả lên. Vừa đau vừa rát, tui định không làm nữa, nhưng mẹ đau ốm cần thuốc thang, mấy đứa nhỏ cần phải học cái chữ để đổi đời nên tui phải ráng thôi...".

    Ngồi canh bếp hơn ba tiếng đồng hồ, hơi nóng làm mồ hôi ra ướt đẫm cả một vạt lưng áo nhưng người phụ nữ này vẫn thoăn thoắt đảo, đãi. Chốc chốc, chị đưa đôi bàn tay gầy gò, hằn vết chai sạm suýt xoa vì bị cạnh sắc của vỏ hến cắt cứa. Chị Thắng nói, làm như vậy đến tầm 4 - 5h sáng, sau khi hoàn tất các công đoạn chế biến, thành phẩm được giao cho những mối khách hàng quen. Số còn lại, hến lại cùng bước chân các chị tảo tần theo nhịp quang gánh rong ruổi trong những phiên chợ, hẻm phố.

    Học sinh nghèo được đến giảng đường đại học nhờ... nghề hến

    Chị Thắng chia sẻ, với những người làm nghề ở làng chị, ai cũng thuộc nằm lòng: "Trời sinh ra cái nghề hến ấm no cho bà con. Cái ruột cũng bán, cái vỏ cũng bán, cái tro cũng có tiền. Bởi một kilogam hến thịt có giá dao động từ 30 đến 35 ngàn đồng. Ngoài ruột, vỏ hến cũng được bán với giá 150 đến 200 ngàn đồng/m3 cho những người quanh vùng sử dụng làm nguyên liệu nung vôi, hoặc làm thức ăn bổ sung chất xơ cho vịt đẻ. Từ vỏ hến đến ruột hến, tất cả đều được tận dụng, quy đổi ra tiền, tăng thêm thu nhập cho những con người sống dựa vào nghề. Trừ mọi chi phí dầu máy, củi lửa, công cán... nghề hến đem lại cho mỗi gia đình gần 100 ngàn đồng/ngày. "Nhờ đó, mấy năm trở lại đây có đến gần 30 học sinh nghèo trong làng hến được nối ước mơ đến giảng đường đại học", chị Thắng cho biết thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ve-noi-doi-nguoi-doi-nghe-an-nho-mot-chut-nuoc-song-a50612.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan