Từng công đoạn được làm thủ công tỉ mỉ để tạo ra được những chiếc khăn mềm, mịn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, các nghệ nhân đã phải miệt mài trau chuốt từng sợi kén, tỉ mẩn để có được sản phẩm ưng ý.
Đòn roi đổi lấy đũi đẹp
Chúng tôi đặt chân về làng nghề dệt đũi thôn Cao Bạt Đoài (xã Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình) vào một ngày mưa bão đầu tháng Tám. Khung cảnh vùng quê Bắc Bộ xưa, với những ngôi nhà ngói mà tại Hà thành khó có thể bắt gặp.
Tìm vào nhà bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1954), một nghệ nhân với hơn 60 năm gắn bó với nghề dệt đũi. Bà chia sẻ, ở làng, không ai biết được nghề đũi có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ kể truyền tai nhau chắc khoảng 400 năm trước.
“Bén duyên với nghề từ khi còn nhỏ, được mẹ dạy kéo đũi, dạy dệt. Đến khi lập gia đình, sinh được 3 người con thì các con tôi lại cùng ngồi kéo đũi với bố mẹ sau mỗi giờ học”, bà Mùi vừa nói cười, vừa xòe đôi bàn tay nhăn nheo vì ngâm tay cả ngày trong nước để kéo đũi.
Ngôi nhà 100 năm tuổi của nghệ nhân dệt đũi Nam Cao |
Bà kể, muốn dệt được một tấm vải đũi đẹp thì từ khâu chọn được kén, đến thêu dệt đều phải công phu. Kén thì phải đều nhau và đẹp. Mà muốn được như thế thì công đoạn chăn nuôi tằm phải rất kỹ lưỡng. Lá dâu nuôi tằm phải là lá dâu bánh tẻ, nghĩa là lá không được già quá hoặc non quá. Tằm được cho ăn lá dâu, sau khoảng 21 ngày thì chín.
Khi tằm chín vàng được bắc lên né (là dụng cụ để cài tằm vào –PV) để chuẩn bị đóng kén, khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải phơi nong tằm dưới nắng nhẹ sao cho kén khô, để khi ươm tơ kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng. Tổ to dày là tổ kén có chất lượng tốt.
Để làm ra được một sợi đũi, người nghệ nhân phải mất khá nhiều thời gian, quy trình cầu kỳ. Bà Mùi vừa nói vừa làm cho chúng tôi xem. Sau khi lấy kén, để kén được ngâm nước, khi kén ngấm nước vào, phải nấu khoảng 15 - 20 phút để nồi kén sôi, chín đều, cho thêm trấu vào và vùi khoảng 6 tiếng thì bắc ra. Sau khi kén nguội thì đem ngâm kén trong nước mát, rồi vắt khô. Thông thường một nồi kén sẽ dùng trong vài ngày, nếu kén chưa dùng luôn sẽ đem phơi dưới nắng nhẹ để bảo quản.
Để se được sợi đũi, người nghệ nhân phải ngâm kén đã chín trong chậu nước sạch. Công đoạn này phải kéo và se hoàn toàn bằng tay, một tay giữ kén, một tay kéo. Vừa kéo, bà Mùi vừa nắn chỉnh sự dày mỏng của sợi sao cho sợi đũi được đều, các mối nối giữa tổ kén phải chặt để khi dệt không bị tuột.
Khi có một cọng củi còn dính lại vào sợi đũi, người nghệ nhân phải dùng hai ngón tay nhặt đi để sợi đũi sạch sẽ. Độ mảnh của sợi đũi sẽ tùy thuộc vào từng loại sản phẩm cần làm.
Sợi đũi sau khi được kéo, người nghệ nhân mắc sợi đũi ướt vào tha, và quay đều theo chiều kim đồng hồ, sợi đũi dàn đều, thẳng trên mặt tha từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới tạo thành các vòng tròn để thuận tiện cho các công đoạn sau.
“Trước khi sợi đũi mang đi dệt, thì các nghệ nhân còn mang đũi đi nấu thật kỹ cho sợi mềm và tơi, tránh bị đứt trong quá trình dệt. Sau đó bó sợi đũi được mắc vào vầy và guồng (vầy và guồng là dụng cụ để cuốn sợi đũi vào các ống sợi khác nhau, dụng cụ bằng phên đan thưa, thường có nhét rơm, dùng đặt tằm khi đã chín để cho tằm làm kén- PV).
Sợi đũi được cuộn vào ống sợi theo hình hoa chuối từ đầu to tới đầu nhỏ, từ trên xuống dưới, sau đó lại được đánh thành từng suốt nhỏ để cho vào con thoi dệt. Công đoạn tiếp theo là nối cửi hay còn gọi là khung cửi.
Công đoạn này được hiểu là nối sợi chỉ dọc vào khung cửi, đây là giai đoạn trung gian quan trọng nhất đòi hỏi người nối cửi phải có kinh nghiệm, chỉ cần một sai sót nhỏ khi nối cửi, khi dệt sẽ hỏng cả tấm lụa. Những hàng dệt được kiểm tra cẩn thận, đảm bảo độ thoáng mềm nhưng vẫn chắc chắn.
“Khi phát hiện sợi đứt, hoặc ống sợi hết sợi, người nghệ nhân phải cho khung dừng để nối sợi và tiếp tơ”, bà Mùi cho hay.
Cuối cùng, sau khoảng 2-3 ngày dệt, ống lụa dài khoảng 50m sẽ được tháo dỡ và may thành các thành phẩm như khăn mặt, áo dài, vest, khăn lụa, rèm hoặc vỏ chăn ga gối.
“Vất vả nhưng vẫn yêu nghề”
Các sản phẩm đũi của Nam Cao chủ yếu sử dụng khung dệt thủ công, mỗi khung dệt đều có tuổi đời hàng vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi. Mỗi khung dệt đều có các khổ, kích thước chiều ngang khác nhau. Tuy nhiên, theo bà Mùi, làm nghề dệt đũi rất vất vả, thường phải thức khuya, dậy sớm mới có thành phẩm đẹp được. Nhưng thu nhập thì rất thấp, chỉ có 2 triệu đồng/ tháng.
“Ngoài dệt đũi, vợ chồng chúng tôi còn làm ruộng để có thêm thu nhập. Nhiều người ở cái xứ này đã bỏ nghề từ lâu. Trong làng giờ cũng chẳng mấy người còn giữ lại cái nghề truyền thống này như xưa nữa. Có thời gian, gia đình tôi cũng bỏ chẳng làm vì không có thu nhập, thậm chí còn lỗ. Còn thêm nguyên nhân bởi, sản phẩm thủ công không còn đủ sức cạnh tranh, giá thành bán ra lại cao do nguyên liệu đầu vào đắt đỏ, phần nữa, người tiêu dùng cũng không còn ưa chuộng sản phẩm của làng nghề. Còn một nguyên nhân quan trọng khác phải kể đến là các thế hệ sau dường như không còn mặn mà, yếu tố “cha truyền con nối” nữa. Có lúc đi vào bế tắc, nhà tôi đã phải bỏ đi 2 khung dệt”, bà Mùi chia sẻ.
Nhưng rồi vì nhớ nghề, yêu nghề, phần cũng vì đó là cái nghề, cái nghiệp ông cha để lại, nên gia đình bà Mùi quyết định gây dựng lại nghề, tiếp tục nối nghề cho các thế hệ sau này. Quyết không để nghề bị mai một.
Gần đây, bà Mùi được đi nhiều nơi như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM... để giới thiệu về sản phẩm, đũi Nam Cao, góp phần tạo nên những chiếc áo dài, áo vest thời trang rất đẹp. Chính vì thế, quyết tâm không để nghề bị mai một trong lòng bà Mùi lại càng cao hơn.
Nghề còn lưu truyền rất ít Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Thành Khoa - Chủ tịch UBND xã Nam Cao - cho biết: “Hiện giờ, xã cũng muốn khôi phục lại nghề, phát triển ra nhiều thôn khác, nhưng rất khó. Bởi một số doanh nghiệp từ vùng khác đã đến và tự động kêu gọi bà con làm nghề nhưng chủ yếu là may thành phẩm như khăn, quần áo, chứ không phải dệt thành vải thô như trước. Chính quyền xã chỉ biết tạo điều kiện cho người dân phát triển, theo con đường đó, còn định hướng quay lại nghề cổ e khá nan giải”. |
X.Đ-D.H
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật (số 32)